Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 11 - Năm học 2014-2015 - Trường THPT Tân Hà

doc 4 trang thungat 2660
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 11 - Năm học 2014-2015 - Trường THPT Tân Hà", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_truong_mon_ngu_van_lop_11_nam.doc

Nội dung text: Đề thi chọn học sinh giỏi cấp trường môn Ngữ văn Lớp 11 - Năm học 2014-2015 - Trường THPT Tân Hà

  1. SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO LÂM ĐỒNG KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2014– 2015 TRƯỜNG THPT TÂN HÀ Môn: NGỮ VĂN K11 - THPT ( Đề thi gồm có 01 trang) Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) Ngày thi: 18/ 10/ 2014 Câu 1: (8 điểm) Trong một buổi diễn thuyết vào đầu năm học, Brian Dison - Tổng giám đốc của tập đoàn Coca Cola đã nói chuyện với sinh viên về mối tương quan giữa nghề nghiệp với những trách nhiệm khác của con người . Trong đó có câu: “Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. Mỗi chúng ta là một cá nhân đặc biệt.” Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến trên. Câu 2: (12 điểm) Có ý kiến cho rằng: Văn học là tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng. Anh( chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ bằng một tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ Văn 11. HẾT Họ và tên thí sinh: Số báo danh: Giám thị 1 : Ký tên: Giám thị 2 : Ký tên:
  2. HƯỚNG DẪN CHẤM I. Câu 1 (8 điểm) A. Đáp án: I. Yêu cầu về kỹ năng: - HS biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội, vận dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận khi làm bài. - HS huy động vốn kiến thức từ những hiểu biết của bản thân để giải quyết thấu đáo vấn đề. - Có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và tinh tế về một vấn đề hết sức cần thiết đối với cuộc sống, con người. - Diễn đạt mạch lạc, trong sáng, giàu cảm xúc. II. Yêu cầu về kiến thức: Tuỳ theo cách cảm nhận và diễn đạt của HS, song cần đáp ứng được các yêu cầu cơ bản sau: 1. Giải thích : - Mỗi con người đều có những mặt ưu điểm, hạn chế riêng, và mỗi con người đều có những khả năng của chính mình. Vì vậy trong cuộc sống không nên có sự so sánh để tự hạ thấp giá trị mình. 2. Bình luận : - Cá nhân mỗi con người khi trưởng thành đều có những khả năng riêng đáp ứng cuộc sống. Mỗi người đều có khả năng về công việc, nghề nghiệp, sở thích với những mức độ khác nhau. ( phân tích dẫn chứng) - Chính những khả năng riêng đó hình thành nghề nghiệp, công việc khác nhau tạo sự đa dạng, phong phú của cuộc sống, làm nên sự thống nhất mọi mặt của xã hội .( phân tích dẫn chứng) - Để có được những khả năng của bản thân, chính con người phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện, lâu dài, bền bỉ, phấn đấu trong nhiều môi trường khác nhau mới đạt được ( phân tích dẫn chứng) - Nên hiểu rằng người khác mà mình đưa ra để so sánh cũng phải trải qua nhiều thử thách đầy gian nan mới đạt được thành công để có được điều mình ngưỡng mộ. - Trong thực tế cũng có những con người có khả năng bẩm sinh tuyệt vời, tài năng hơn người, làm nên những tên tuổi khó ai sánh kịp, nhưng đó không phải số nhiều. ( phân tích dẫn chứng) - Tuy nhiên đôi khi sự so sánh mình với người khác nhằm giúp mình tự có ý thức phấn đấu để bằng mọi người. Đó cũng là mặt tích cực trong cuộc sống. - Phê phán những người chỉ biết trân trọng người khác mà coi thường bản thân để suốt đời chấp nhận kẻ thấp hèn, thiếu ý thức vươn lên . 3. Bài học thực tiễn : - Con người phải biết trân trọng chính bản thân mình. - Phải thường xuyên phấn đấu để mình trở thành người có ích, sống có ý nghĩa với bản thân, gia đình, xã hội. B. Biểu điểm: - Điểm 7- 8: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu trên. Bài viết sâu sắc, tinh tế. Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú. Diễn đạt tốt. - Điểm 5- 6 : Hiểu yêu cầu của đề bài. Phân tích chưa thật sâu sắc. Diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu. - Điểm 3- 4 : Chỉ trình bày được một nửa số ý, chưa thật hiểu rõ vấn đề. Diễn đạt còn hạn chế.
  3. - Điểm 1- 2 : Bài làm sơ sài, phân tích chung chung hoặc chỉ viết được đoạn văn ngắn không rõ nghĩa, diễn đạt kém. II. Câu 2 (12 điểm) I. Yêu cầu về kĩ năng: - Thí sinh biết cách làm bài nghị luận văn học, cụ thể là nghị luận về một vấn đề bàn về văn học, biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để giải quyết vấn đề theo định hướng của đề. - Bài làm có kết cấu chặt chẽ, hành văn trong sáng, biểu cảm, không mắc lỗi diễn đạt. II. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng về cơ bản cần đảm bảo các ý chính sau: 1. Trình bày cách hiểu về ý kiến: (2 điểm) * Nhận xét chung: - Văn học từ xưa đến nay có sứ mệnh giải thoát con người khỏi những ẩn ức của xúc cảm bị kìm nén. Và chỉ khi đến với văn chương, sống trong thế giới của văn chương con người mới có thể bộc lộ trọn vẹn nhất mà cũng cụ thể, tỉ mỉ nhất tất cả những khát vọng “đang ngấm ngầm diễn ra” trong lòng mình. - Văn học không thể tách rời cuộc sống vì cuộc sống là suối nguồn vô tận của văn học. Nhưng văn học không phải chỉ phản ánh hiện thực như cái đã có, đang có mà còn phản ánh cả những cái sẽ có và cần phải có. Vì vậy địa hạt của văn chương không phải chỉ gói trọn trong thế giới hiện thực vật chất bình thường, nó chỉ thực sự bất tử, thực sự “nằm ngoài quy luật của sự băng hoại” (Sê đrin) khi nó vút lên cái tinh thần của loài người, đó là “tiếng kêu khắc khoải của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng”. Ý kiến trên đã bao hàm đầy đủ nội dung, ý nghĩa và sứ mệnh của văn học trong cuộc đời. * Giải thích cụ thể: - Con người chưa bao giờ bằng lòng với thực tại. Đó là chân lí và cũng là lẽ sống đẹp đẽ nhất của sứ mệnh làm người. Dù muốn hay không, con người vẫn luôn theo đuổi những ước mơ và hoài bão vượt lên thực tại, chính điều đó mà con người vĩ đại. - Nhưng trên hành trình vượt lên ấy con người luôn gặp phải những bi kịch, không chỉ là bi kịch của tài năng, nhân cách, của sự xung đột mang tính triết học của những cặp phạm trù mà còn có những bi kịch bị kìm toả bởi hoàn cảnh, bởi thực tại Gánh trên vai sức nặng khủng khiếp ấy, con người tìm đến văn chương như một sự giải thoát, một nơi nương tựa. - Văn học thực thi thiên chức đẹp đẽ nhất của nó: “nó đã ra đời giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến ngày tận thế” (Hoài Thanh). Nghĩa là, giữa những khúc hoan ca ngây ngất hay giữa những nỗi đớn đau tuyệt vọng, con người chưa bao giờ nguôi ngoai khát vọng mãnh liệt của mình. Vì thế mà văn học “là tiếng kêu khắc khoải của của con người trước một thực tại chưa bao giờ bằng lòng”. Câu nói khẳng định giá trị đích thực của văn chương trong cuộc đời. Chừng nào còn có mặt con người trên thế gian này thì chừng ấy văn chương còn tồn tại để cất lên tiếng kêu khắc khoải và da diết về cõi nhân sinh. 2. Bình luận: (2 điểm) - “Trên trái đất này không có gì làm người ta hài lòng ( ) cũng như chính trị, văn học là một hoàn động nhằm chống lại những cái chưa hoàn thiện của con người” (B. Brecht). Đó
  4. là những giấc mơ dang dở, những nỗi niềm, bi kịch vì sự chưa bao giờ được thoả mãn của con người. - Để nuôi dưỡng những giấc mơ, người ta tìm kiếm ở văn chương, biến văn chương thành nơi chốn để ký thác những tâm tư, những ẩn ức của chính mình. Vì thế, văn chương luôn hoà cùng nhịp thở con người, luôn phập phồng trong những bi kịch và ước vọng muôn thuở. 3. Biểu hiện cụ thể: (6 điểm) Thí sinh chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ Văn 11 để làm sáng tỏ ý kiến trên. 4. Đánh giá: (2 điểm) - Mỗi tác phẩm văn học là một tiếng nói riêng, nhưng dù hồ hởi, hân hoan hay điềm đạm, thâm trầm, dù thảng thốt, day dứt hay dữ dội, mãnh liệt thì cũng đều da diết, khắc khoải trước “thực tại chưa bao giờ bằng lòng” - Nhờ tiếng kêu ấy, văn học mang trong nó những giá trị lớn lao và sức sống bất diệt. - Trong quá trình hoàn thiện nhân cách của con người, trong cuộc đấu tranh để phát triển chính nghĩa của nhân loại, trong hành trình vươn tới sự hoàn mĩ, văn học không chỉ là tiếng nói tri âm của con người, nó còn là một phương tiện, một giải pháp để con người bộc lộ trọn vẹn bản thân mình vì “Thiên chức của nhà văn là gieo chủ nghĩa nhân đạo sáng ngời chân lí đến từng con người trên Trái đất” (Aimatop). Lưu ý: Giám khảo vận dụng linh hoạt biểu điểm, chỉ định tính chứ không định lượng, cho điểm khuyến khích những bài viết sáng tạo, có chất văn. Điểm toàn bài cho lẻ đến 0.25. HẾT