Đề kiểm tra môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh Lớp 10 THPT (Có đáp án)

doc 7 trang thungat 4080
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh Lớp 10 THPT (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_kiem_tra_mon_ngu_van_ky_thi_tuyen_sinh_lop_10_thpt_co_dap.doc

Nội dung text: Đề kiểm tra môn Ngữ văn - Kỳ thi tuyển sinh Lớp 10 THPT (Có đáp án)

  1. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT Khóa ngày 21/6/2006 Môn thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề) Câu 1: (3 điểm) Vận dụng kiến thức đã học về một số phép tu từ từ vựng để phân tích nét nghệ thuật độc đáo trong đoạn văn sau: “ Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh bảo vệ con người. Tre anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu! ” (Thép Mới, Cây tre Việt Nam) Câu 2: (3 điểm) Viết đoạn văn (từ 5 – 7 câu) theo lối diễn dịch, trình bày những cảm nhận của em về tâm trạng của Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích. Câu 3: (14 điểm) Thí sinh chọn một trong hai đề sau: Đề 1: Vấn đề đạo lý, lẽ sống được thể hiện qua bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy (sách Ngữ văn 9 – tập 1, trang 155). Đề 2: Nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Theo mạch truyện, em hãy phân tích những dòng cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật Nhĩ. Hết Họ và tên thí sinh: SBD: Chữ ký giám thị:
  2. HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN Câu 1 : (3 điểm) Yêu cầu thí sinh nêu được hai nội dung sau : 1) Hai phép tu từ chính được sử dụng trong đoạn văn : (1 điểm) - Phép điệp ngữ : Thể hiện qua các từ tre – giữ – anh hùng, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong đoạn văn. - Phép nhân hoá: Tác giả coi tre như một con người, một công dân xả thân vì đất nước. 2) Tác dụng của phép tu từ điệp ngữ – nhân hoá (2 điểm) Ngoài tác dụng tạo nên sự nhịp nhàng cho câu văn, phép điệp ngữ còn có tác dụng nhấn mạnh đến hình ảnh cây tre với những chiến công của nó. Phép nhân hoá làm cho hình ảnh cây tre gần gũi với con người hơn, gây ấn tượng với người đọc nhiều hơn. Câu 2 : (3 điểm) Yêu cầu thí sinh đảm bảo được hai nội dung sau : 1) Viết được đoạn văn theo lối diễn dịch (5 – 7 câu), (1 điểm) 2) Cảm nhận đúng tâm trạng của nàng Kiều khi ở lầu Ngưng Bích: buồn rầu, cô đơn, thương nhớ người thân, lo lắng, sợ hãi cho tương lai của mình. (2 điểm) Câu 3 : (14 điểm) Đề 1 : I) YÊU CẦU:
  3. - Qua phân tích bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy, người viết phải làm nổi bật lên được chủ đề của bài thơ. Đó là lời nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa - đối với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu. “Uống nước nhớ nguồn” - ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ chính là đạo lí, là lẽ sống được thể hiện qua bài thơ. - Để làm được điều này, người viết không chỉ thể hiện bằng những tình cảm tự do mà còn cần phân tích, cảm nhận bài thơ theo hướng ánh trăng gợi lại: + Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt thì quan hệ đôi bên người lính và ánh trăng đều thuỷ chung son sắt. + Trong thanh bình hạnh phúc thì người ta lại dễ quên đi mối tình tri kỷ một thời. + Khi ánh trăng xưa vẫn thuỷ chung, bình dị, khiêm nhường và im lặng đột ngột hiện về đã làm người lính bỗng có nhiều suy nghĩ. ( Ở khổ thơ cuối, người viết phải thể hiện được chiều sâu triết lí: vầng trăng biểu trưng cho sự bao dung, cái giật mình chứa đựng không chỉ là sự ân hận mà còn biết bao điều nhà thơ suy ngẫm và muốn nhắn gửi tới người đời về đạo lí, về lẽ sống của con người). - Ngoài nội dung trên, người viết phải thể hiện được những cảm xúc, suy nghĩ chân thành và nêu được bàihọc liên hệ cho bản thân mình. II) GỢI Ý THANG ĐIỂM: 1) Từ 12.0 đến 14.0 điểm. Dành cho các bài viết: - Có đủ kết cấu 3 phần, nội dung đầy đủ, sâu sắc, cảm xúc thể hiện trong bài viết chân thành sâu lắng. Có những phát hiện và xử lí vấn đề một cách hợp lí. - Lời văn diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, ngôn ngữ trong sáng, chân thực. - Bài viết trình bày khoa học, sạch đẹp. 2) Từ 10.0 đến dưới 12.0 điểm. Dành cho các bài viết: - Có đủ kết cấu 3 phần, nội dung đầy đủ, cảm xúc thể hiện chân thành . Có những ý hay trong bài viết. - Lời văn diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, súc tích, chân thực. - Bài viết trình bày sạch. Chữ viết rõ ràng, dễ đọc. 3) Từ 7.0 đến dưới 10.0 điểm. Dành cho các bài viết:
  4. - Bài viết tỏ ra có hiểu đề, hiểu bài thơ và phân tích, cảm nhận đủ nội dung song chưa thể hiện rõ cảm xúc của người viết. - Lời văn diễn đạt khá trôi chảy. - Bài viết trình bày tương đối rõ ràng về hình thức. 4) Từ 4.0 đến dưới 7.0 điểm. - Bài viết tỏ ra có hiểu đề song nội dung thể hiện chưa đầy đủ, trình bày lộn xộn, kết cấu không rõ ràng. - Lời văn diễn đạt yếu, sắp xếp câu văn, đoạn văn chưa hợp lí. - Bài viết trình bày cẩu thả, chữ viết xấu. 5) Dưới 4.0 điểm. Cho các bài còn lại. LƯU Ý: Trên đây là những định hướng cho các giám khảo chấm bài. Trong quá trình chấm, các giám khảo cần vận dụng sao cho phù hợp, chú ýtrân trọng những phát hiện, những ý hay, những cảm xúc chân thực của người viết để cho điểm (song không đếm ý cho điểm). Thang điểm 20, giám khảo cho điểm tròn đến 0.25 điểm. Khoảng điểm trong các thang điểm rộng, giám khảo cần cân nhắc, vận dụng cho điểm một cách hợp lí, phân loại chất lượng các bài viết trong cùng một khoảng thang điểm. Đề 2 : I) YÊU CẦU : a. Giới thiệu vài nét về nhân vật Nhĩ : Nhĩ là người “đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Vậy mà lúc cuối đời, căn bệnh quái ác hầu như khiến anh bị liệt toàn thân, không thể tự mình di chuyển dù chỉ là nhích nửa người trên giường bệnh. b. Dựa theo mạch truyện, thí sinh phân tích được những dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật Nhĩ . ( trọng tâm )
  5. - Cảm nhận của Nhĩ về vẻ đẹp của thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, được nhìn từ khung cửa sổ căn phòng của anh. + Cảnh vật được tả theo tầm nhìn của Nhĩ, từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu, rộng. + Cảnh vật hiện ra với vẻ đẹp riêng, chỉ có thể cảm nhận được bằng những cảm xúc tinh tế . Không gian và những cảnh sắc ấy vốn quen thuộc, gần gũi, nhưng giờ đây lại như rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó. - Những suy ngẫm của Nhĩ từ hoàn cảnh của mình mà phát hiện ra qui luật giống như một nghịch lí của đời người. + Bằng trực giác, Nhĩ đã nhận ra mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Anh đang phải đối mặt với hoàn cảnh bi đát không còn lối thoát. + Cảm nhận của Nhĩ về Liên – vợ anh : Chính trong những ngày cuối đời, Nhĩ mới nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo, đức hi sinh thầm lặng của vợ. Anh thực sự thấu hiểu với lòng biết ơn sâu sắc người vợ thân yêu. Sự thấu hiểu của Nhĩ tuy muộn màng song dẫu sao cũng đem lại cho anh sự bình yên, tin cậy sau cả một đời bôn tẩu, kiếm tìm giờ như được neo đậu nơi bến quê, nơi gia đình, bên những người thân yêâu. + Nhĩ khao khát được một lần đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống, với Nhĩ đó là sự thức tỉnh có xen lẫn với niềm ân hận và nỗi xót xa bởi anh “từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” vậy mà lại chưa từng đặt chân lên “cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”. - Câu chuyện của Nhĩ với cậu con trai và sự chiêm nghiệm của anh về một qui luật của đời người. + Cái bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà Nhĩ gần gũi là thế nhưng giờ đã là xa lắc, là “miền đất mơ ước” bởi Nhĩ “lực bất tòng tâm”. Không thể làm được điều mình khao khát, Nhĩ đành nhờ con trai thay mình sang bờ bên kia sông, đặt chân lên cái bãi phù sa màu mỡ. Nhưng cậu ta lại sa vào một đám chơi cờ trên hè phố và có thể để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ đây, Nhĩ đã nghiệm ra cái qui luật phổ biến của đời người : “ con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”. + Ở cuối truyện, Nhĩ có một cử chỉ có vẻ kì quặc : khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ thu hết tàn lực, nhô mình ra ngoài, giơ một cánh tay gầy khoát khoát như đang khẩn thiết ra hiệu cho một ai đó. Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang thúc giục con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò. Nhưng hình ảnh này còn gợi ra ý nghĩa khái quát hơn : thức tỉnh mọi người vượt lên những cái vòng vèo, chùng chình mà ta đang sa vào trên đường đời để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.
  6. c. Nhân vật Nhĩ trong truyện, là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điều quan sát, suy ngẫm, triết lí về cuộc đời và con người. II) GỢI Ý THANG ĐIỂM: 2) Từ 12.0 đến 14.0 điểm. Dành cho các bài viết: - Có đủ kết cấu 3 phần, nội dung đầy đủ, sâu sắc, có những phát hiện và xử lí vấn đề một cách hợp lí. - Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, văn viết mạch lạc, có cảm xúc. Không mắc các lỗi chính tả, ngữ pháp. - Bài viết trình bày khoa học, sạch đẹp. 2) Từ 10.0 đến dưới 12.0 điểm. Dành cho các bài viết: - Có đủ kết cấu 3 phần, nội dung đầy đủ, sâu sắc. Có thể có một vài sai sót nhỏ nhưng không làm sai lạc ý của người viết. - Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, văn viết mạch lạc, có cảm xúc. - Bài viết trình bày khoa học, chữ viết rõ ràng, dễ đọc. 3) Từ 7.0 đến dưới 10.0 điểm. Dành cho các bài viết: - Bài viết phân tích đủ nội dung song chưa song chưa sâu sắc. - Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, diễn đạt trôi chảy. - Hình thức trình bày tương đối rõ ràng. - Còn mắc một số lỗi chính tả, ngữ pháp. 4) Từ 4.0 đến dưới 7.0 điểm. - Phân tích chưa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu, trình bày còn lộn xộn, kết cấu không rõ ràng. - Lời văn diễn đạt yếu, sắp xếp câu văn, đoạn văn chưa hợp lí. - Trình bày cẩu thả, chữ viết xấu. 5) Dưới 4.0 điểm. Cho các bài còn lại. LƯU Ý:
  7. Trên đây là những định hướng cho các giám khảo chấm bài. Trong quá trình chấm, các giám khảo cần vận dụng linh hoạt sao cho phù hợp. Không đếm ý cho điểm. Chú ý trân trọng những phát hiện, những ý hay của người viết. Thang điểm 20, giám khảo cho điểm tròn đến 0.25 điểm. Khoảng điểm trong các thang điểm rộng, giám khảo cần cân nhắc, vận dụng cho điểm một cách hợp lí, phân loại chất lượng các bài viết trong cùng một khoảng thang điểm. HẾT