Đề thi giao lưu học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD&ĐT Tam Dương (Có đáp án)

doc 4 trang thungat 2900
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi giao lưu học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD&ĐT Tam Dương (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_giao_luu_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_7_nam_hoc_2016.doc

Nội dung text: Đề thi giao lưu học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 7 - Năm học 2016-2017 - Phòng GD&ĐT Tam Dương (Có đáp án)

  1. PHÒNG GD&ĐT TAM DƯƠNG ĐỀ THI GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI LỚP 7 NĂM HỌC 2016- 2017 MÔN: NGỮ VĂN 7 Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề ĐỀ CHÍNH THỨC Đề thi gồm 01 trang Câu 1. (2,0 điểm) Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ có trong hai câu thơ sau: “ Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. (Trích “ Cảnh khuya ” – Hồ Chí Minh) Câu 2. (3,0 điểm) Từ thực tiễn và qua những tác phẩm văn học (thơ, văn xuôi) mà em đã được đọc, được học nói về người Mẹ. Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 200 từ) với tiêu đề: “Mẹ - ngọn lửa hồng soi sáng cuộc đời con!”. Câu 3. (5,0 điểm) “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài ” (Trích “Ý nghĩa văn chương” – Hoài Thanh) Qua bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương em hãy chứng minh nhận định đó. Hết (Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm) Họ tên thí sinh: Số báo danh: Phòng thi:
  2. PHÒNG GD&ĐT TAM DƯƠNG HƯỚNG DẪN CHẤM THI GIAO LƯU HSG LỚP 7 CẤP HUYỆN NĂM HỌC: 2016 -2017 MÔN: NGỮ VĂN 7 Câu 1(2 điểm ): * Yêu cầu về kỹ năng: Học sinh viết thành đoạn văn, chỉ ra và phân tích được các phép tu từ có trong hai câu thơ. * Yêu cầu về kiến thức: Học sinh nêu được các ý sau: - Hai câu thơ trên được trích từ bài thơ “ Cảnh khuya ” của Hồ Chí Minh . Hai câu thơ đã gợi lên trước mắt người đọc một bức tranh sơn thủy về cảnh suối rừng, trăng ngàn Việt Bắc ( 0, 25 điểm ). - Nghệ thuật: Hai câu thơ đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh “ tiếng suối – tiếng hát xa”; nhân hóa, điệp ngữ “ lồng ”. ( 0,5 điểm ). + Câu 1: Suối là vẻ đẹp chốn lâm tuyền, vẻ đẹp rừng già Việt Bắc. Bác lấy tiếng suối so sánh với tiếng hát êm ái, ngọt ngào của con người, làm cho cảnh khuya nơi núi rừng trở nên gần gũi, mang hơi ấm cuộc đời.( 0,5 điểm ). + Câu 2: Hai vế tiểu đối gợi lên vẻ đẹp hài hòa của cảnh vật thiên nhiên. Trăng được nhân hóa rất thơ mông “ lồng ” vào cổ thụ, bóng cổ thụ lại lồng vào hoa. Cảnh thiên nhiên trở nên hữu tình huyền ảo. Chữ “ lồng ” được lặp lại hai lần, ánh trăng tỏa khắp núi rừng, rát vàng xuống rừng cây, lồng và trùm lên cổ thụ. Cảnh rừng có tầng cao, tầng thấp, có mảng sáng mảng mờ thật hấp dẫn.( 0,5 điểm ). - Hai câu thơ của Bác đầy âm thanh nhạc điệu, trong thơ vừa có nhạc vừa có họa, rất thi vị, gợi cảm. Bác đã dành cho thiên nhiên, cây rừng, trăng ngàn những tình cảm tha thiết, nồng hậu. ( 0,25 điểm ). Câu 2 (3 điểm): * Yêu cầu về kỹ năng: Đảm bảo một bài văn có bố cục rõ ràng, sắp xếp ý hợp lý, hành văn trôi chảy, mạch lạc. Văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu * Yêu cầu về kiến thức: Học sinh trình bày được các ý sau: - Khẳng định vị trí tuyệt vời của người mẹ và hạnh phúc khi được sống trong vòng tay yêu thương của mẹ. ( 0,5 điểm ). - Nêu được công lao sinh thành, dưỡng dục của mẹ từ khi em lọt lòng đến những năm tháng em được cắp sách đến trường ( lấy dẫn chứng từ thực tế và thông qua các bài văn, thơ đã học như: Ca dao về tình cảm gia đình, Mẹ tôi và các bài văn bài thơ khác để chứng minh cho có sức thuyết phục. ( 1 điểm ). - Ghi nhớ công ơn của mẹ bằng hành động cụ thể, thiết thực trong đời sống hàng ngày như: học tập tốt, rèn luyện nhân cách, biết vâng lời, làm theo lời hay, ý đẹp, ở nhà là con ngoan, ở trường là trò giỏi để không phụ lòng cha mẹ, anh chị, thầy cô và bạn bè. ( 1 điểm ). - Mở rộng và nâng cao vấn đề: Mẹ không chỉ là ngọn lửa hồng soi sáng cuộc đời con trong hiện tại mà còn soi sáng cuộc đời con cả ở tương lai phía trước. ( 0,5 điểm ).
  3. Câu 3 (5 điểm): * Yêu cầu về kỹ năng: Học sinh biết cách làm bài văn chứng minh kết hợp giải thích một vấn đề văn học. Bài viết có bố cục rõ ràng, luận điểm khoa học, chặt chẽ, lập luận thuyết phục, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt * Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những cảm nhận riêng nhưng bài viết cần phải làm toát lên được những nội dung cơ bản sau: I. Mở bài ( 0,25 điểm ): - Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tình yêu thương con người được tác giả gửi gắm trong tác phẩm văn học (tình cảm nhân đạo). - Trích dẫn ý kiến. - Khẳng định qua bài thơ “Bánh trôi nước” (Hồ Xuân Hương). II. Thân bài (4,5 điểm) 1. Giải thích ý kiến (1 điểm): - Hoài Thanh đã bàn về vấn đề quan trọng , bản chất của văn chương. “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra là thương cả muôn vật, muôn loài ”. Lòng thương người, thậm chí thương muôn vật muôn loài là tình cảm rộng lớn, cao cả mang tầm nhân loại. Tình cảm ấy không chỉ là cội nguồn của văn chương mà còn là thước đo giá trị của tác phẩm văn chương chân chính. Giá trị đó chính là giá trị nhân đạo, là những ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. - Giá trị nhân đạo là phẩm chất cao quý của tác phẩm văn học chân chính. Biểu hiện của giá trị nhân đạo rất đa dạng song thường tập trung vào những mặt cụ thể sau: Lòng yêu thương, sự cảm thông, xót xa trước những hoàn cảnh, số phận bất hạnh; lên án, tố cáo những thế lực bạo tàn chà đạp lên quyền sống của con người; ngợi ca, đề cao những vẻ đẹp, phẩm giá cao quý của con người; nâng niu khát vọng sống, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của con người. -> Bài thơ “ Bánh trôi nước ” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện rõ nét quan niệm văn học của Hoài Thanh. Mượn hình ảnh chiếc bánh trôi – một đặc sản của dân tộc, Hồ Xuân Hương đã gửi tấm lòng, tâm sự của một nữ sĩ luôn đấu tranh, bênh vực cho quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội. Bởi vậy, tác phẩm thấm đẫm tình yêu thương con người, ngời sang niềm tin trân trọng với con người, trước hết là với người phụ nữ. 2. Chứng minh ( 3 điểm ) * Luận điểm 1: Bài thơ đã khẳng định, ngợi ca, đề cao vẻ đẹp của người phụ nữ ( 1 điểm ). - Vẻ đẹp hình thức: “ Thân em vừa trắng lại vừa tròn” Nghĩa tả thực đúng là vẻ đẹp của chiếc bánh trôi. Nhưng nghĩa ẩn dụ thì đây chính là nhan sắc của người phụ nữ. Người phụ nữ Việt Nam hiện lên trong câu thơ đẹp quá, da dẻ trắng trẻo, thân hình tròn lẳn, phúc hậu. - Vẻ đẹp tâm hồn: “ Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
  4. Mặc dầu cuộc đời long đong vất vả, bị phụ thuộc, nhưng những người phụ nữ Việt Nam đã vượt lên, thách thức và chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận, để gữi vững phẩm chất, đạo đức, tấm lòng nhân hậu, thủy chung với cuộc đời, với con người. * Luận điểm 2: Bài thơ thể hiện tấm lòng yêu thương, đồng cảm, xót xa cho số phận người phụ nữ gặp nhiều bi kịch trong cuộc đời (1 điểm ): “ Bảy nổi ba chìm với nước non” - Hồ Xuân Hương đã sử dụng thành ngữ “Bảy nổi ba chìm” một cách sáng tạo trong câu thơ để nêu rõ cuộc đời long đong, vất vả của người phụ nữ. Cụm từ “với nước non” nhấn mạnh thêm cuộc đời long đong, chìm nổi vất vả ấy. Từ “với” đi liền cùng hình ảnh “nước non” cho ta hiểu số phận, cuộc đời người phụ nữ bấp bênh chìm nổi, xuống ghềnh, lên thác là vì chồng, vì con và vì cả mọi người, cả non sông đất nước. Một cuộc đời hi sinh, vị tha như thế thật cao cả và thật đáng cảm thương, trân trọng. - Không chỉ có số phận chìm nổi, long đong, người phụ nữ trong xã hội phong kiến còn bị lệ thuộc. Câu thơ “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn” đã hình tượng hóa cuộc đời không được làm chủ, không được tự quyết định tương lai, hạnh phúc của người phụ nữ. * Luận điểm 3: Qua bài thơ, tác giả đã lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công, tàn bạo đã tước đi quyền sống, chà đạp lên con người. ( 0,5 điểm ) - Xã hội phong kiến với tư tưởng trọng nam khinh nữ nên thân phận người phụ nữ bị coi rẻ. Xã hội đã tước đi quyền sống, thậm chí quyền làm người của phụ nữ, bắt họ phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, trói buộc họ vào đạo “ Tam tòng”. Câu thơ “ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn ”, đặc biệt hai từ “ rắn”, “ nát” đọc lên nghe thật tội nghiệp. Thân phận người phụ nữ bị coi như một vật dụng nhỏ nhoi, tầm thường nhất. * Luận điểm 4: Bài thơ còn thể hiện sự trân trọng, đề cao những khát vọng nhân văn của người phụ nữ ( 0,5 điểm ) - Ẩn sau lời chiếc bánh trôi tâm sự về mình, người đọc có thể cảm nhận được đó chính là bản lĩnh của người phụ nữ: Họ khẳng định vẻ đẹp, giá trị của mình trong cuộc đời. Cho dù cuộc đời nhiều bất công với họ nhưng họ luôn khát vọng vượt lên, chiến thắng số phận, khẳng định quyền sống, vẻ đẹp, phẩm giá, tấm lòng thủy chung son sắt của mình trong xã hội :“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. 3. Đánh giá ( 0,5 điểm ): - Ý kiến của Hoài Thanh về nguồn gốc của văn chương là đúng đắn, khoa học bởi nó đã nói lên đặc trưng, thuộc tính quan trọng nhất của văn học : Văn học là tiếng nói của tâm hồn, cảm xúc; văn học mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. - Bài thơ “ Bánh trôi nước” mang giá trị nhân đạo cao cả, hướng tới con người, vì con người. - Hồ Xuân Hương xứng đáng là nhà nhân đạo chủ nghĩa luôn đấu tranh cho quyền sống của con người mà trước hết là người phụ nữ. III. Kết bài ( 0,25 điểm ): - Khẳng định lại ý kiến và giá trị của bài thơ. - Liên hệ mở rộng. Hết Lưu ý: Trên đây chỉ là những gợi ý mang tính định hướng, trong khi chấm giáo viên cần linh hoạt. khuyến khích những bài viết sáng tạo, có năng khiếu.