Đề thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Thanh Hóa

doc 4 trang thungat 2810
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Thanh Hóa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_tuyen_sinh_vao_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2018_2.doc

Nội dung text: Đề thi tuyển sinh vào Lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2018-2019 - Sở GD&ĐT Thanh Hóa

  1. SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT THANH HÓA NĂM HỌC 2018 - 2019 Môn thi: NGỮ VĂN ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề Ngày thi: 08/6/2018 Câu 1: (2.0 điểm) a. Xác định biện pháp tu từ trong phần in đậm của ngữ liệu sau: Trong như tiếng hạc bay qua Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. (Nguyễn Du, Truyện Kiều) b. Viết lại câu sau bằng cách chuyển phần in đậm thành khởi ngữ: Anh ấy chạy nhanh nhất đội tuyển. c. Cho đoạn văn sau, tìm câu có chứa hàm ý và cho biết nội dung của hàm ý đó là gì? Tôi lên tiếng mở đường cho nó: - Cháu phải gọi "Ba chắt nước giùm con", phải nói như vậy. Nó như không để ý đến câu hỏi của tôi, nó lại kêu lên: - Cơm sôi rồi, nhão bây giờ? (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà) Câu 2: (3.0 điểm) Gia đình luôn hiện về bên ta trên mọi nẻo đường, vực ta dậy mỗi khi vấp ngã, góp một nụ cười khi ta thành công. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 30 dòng) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên. Câu 3: (5,0 điểm) Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê (SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2011). Hết (Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm) ĐÁP ÁN THAM KHẢO: Câu 1: a) Biện pháp tu từ trong phần in đậm: so sánh "trong như tiếng hạc" b) Có thể viết lại như sau: Chạy, anh ấy nhanh nhất đội tuyển. c) Câu chứa hàm ý là: "- Cơm sôi rồi, nhão bây giờ ?" Ý nghĩa: Cơm đã sôi rồi, con bé muốn anh Sáu chắt giùm nước để cơm khỏi nhão.
  2. Em bé phải nói hàm ý vì trước đó đã nói thẳng ra nhưng không có hiệu quả; lần này không cần nhắc lại ý “chắt giùm nước” mà thêm vào ý giục giã: “nhão bây giờ!”. Nhưng việc sử dụng hàm ý trong trường hợp này không có hiệu quả, vì người nghe không tiếp nhận, từ chối cộng tác bằng cách “ngồi im”, vờ như không nghe bởi vì lời nói đó không phải để nói với mình. Câu 2: Các em có thể dựa trên những cơ sở sau để phân tích: - Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và cao cả trong lòng mỗi người. Đó là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu thương mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau không bao giờ kết thúc. - Nơi ta có giấc ngủ bình yên, chẳng mang muộn phiền lo lắng về cuộc sống xô bồ chính là gia đình. - Tình cảm gia đình là thứ con người tìm về sau một chuyến đi dài mệt mỏi, giúp ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nó là nơi cho ta sự an ủi và niềm tin để vượt qua những khó khăn ấy một cách dễ dàng. Xã hội phát triển thì có rất nhiều mối quan hệ nhưng không có mối quan hệ nào đáng giá bằng tình cảm gia đình, nó luôn chiếm vị trí cao trong đời sống tinh thần của con người. - Khi có niềm vui thì chính gia đình là người nhân niềm vui đó nên gấp nhiều lần. => Mỗi con người phải ý thức được vai trò quan trọng của tình cảm gia đình với cuộc sống để giữ gìn, nâng niu, trân trọng nó. Dàn ý tham khảo chi tiết: 1. Giải thích vấn đề: “Gia đình luôn hiện về bên ta trên mọi nẻo đường, vực ta dậy mỗi khi vấp ngã, góp một nụ cười khi ta thành công” => Khẳng định vai trò to lớn của gia đình đối với mỗi con người. - Gia đình là một trong ba môi trường của xã hội, quyết định trực tiếp tới mặt tự nhiên và xã hội trong mỗi con người, là nơi để các thành viên sống chân thành với nhau, san sẻ lòng yêu thương, niềm vui, là điểm dựa vững chắc nhất những lúc chúng ta gặp khó khăn, hay thất bại trong cuộc sống. - Gia đình là những người cùng chung sống dưới một mái nhà, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và huyết thống thường gồm có ông bà, cha mẹ, con cái và cháu chắt. 2. Bàn luận vấn đề * Vai trò của gia đình: - Gia đình là nơi ta được sinh ra, được nuôi dưỡng trưởng thành. - Gia đình là nơi đầu tiên giúp ta hình thành nhân cách. - Gia đình là nơi bao bọc, che chở cho mỗi con người. - Gia đình là cái nôi, là chốn bình yên cho ta trở về sau những giông bão của cuộc đời. - Gia đình còn là nơi chia sẻ niềm vui khi ta thành công. - Gia đình là nguồn động lực, nguồn cổ vũ động viên giúp ta không ngừng phấn đấu.
  3. - Gia đình là nơi nâng đỡ, giúp ta vươn đến những ước mơ của cuộc đời. - Gia đình còn là hạt nhân, tế bào của xã hội. - Gia đình vững chắc và bình yên là nơi nuôi dưỡng những con người có ích cho xã hội. => Gia đình có ý nghĩa, vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. * Bài học rút ra: Mỗi người con phải có trách nhiệm đối với gia đình, luôn yêu thương, kính trọng ông bà, cha mẹ, chăm sóc, phụng dưỡng khi ông bà cha mẹ già yếu. * Phản đề: Bên cạnh đó vẫn có những người chưa nhận ra được ý nghĩa và có ý thức trân trọng, gìn giữ gia đình, thậm chí là có hành động đi ngược lại điều đó: bất hiếu, ngược đãi ông bà, cha mẹ, đây là hành vi đáng lên án và cần được loại bỏ. * Liên hệ bản thân Câu 3: Có thể tham khảo dàn ý sau đây: 1, Mở bài - Truyện ngắn “Ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê ngợi ca tinh thần dũng cảm của các cô gái thanh niên xung phong, của thế hệ trẻ trong những ngày mưa bom bão đạn. - Cô gái Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đó là một nữ chiến sĩ thanh niên xung phong xinh đẹp, trong sáng, giàu tình cảm và dũng cảm, ngoan cường. 2, Thân bài * Hoàn cảnh sống và chiến đấu: Phương Định cùng đồng đội đảm nhận một công việc đầy gian khổ, hiểm nguy trên cung đường Trường Sơn, giữa những năm kháng chiến chống Mĩ ác liệt. - Xuất thân là con gái Hà Nội, Phương Định tham gia thanh niên xung phong sống giữa khói bụi Trường Sơn và bom đạn. Cô thuộc tổ trinh sát mặt đường, hàng ngày phải đo khối lượng đất đá lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần phải phá bom. - Không chỉ vậy, cô và tổ trinh sát còn đảm đương việc phá bom nổ chậm. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự bình tĩnh, dũng cảm, quên mình của chiến sĩ vì thần chết luôn lần trong ruột những quả bom. => Công việc hết sức nguy hiểm, có làm bao nhiêu lần vẫn không thể quen, vẫn luôn căng thẳng đến mức “thần kinh căng như chão tim đập bất chấp cả nhịp điệu”. => Vậy mà, cô vẫn bám trụ 3 năm liền trên tuyến đường Trường Sơn, chứng tỏ vẻ đẹp quả cảm, ý chí kiên cường, lòng yêu nước của Phương Định. * Giữa chiến trường khói lửa, chị vẫn hồn nhiên, ngây thơ, trẻ con đôi khi nhạy cảm, mơ mộng, thích hát. - Chị vẫn hay nhớ về những kỉ niệm bên mẹ trong căn gác nhỏ, nhớ về thành phố tuổi thơ.
  4. - Là cô gái yêu đời, hồn nhiên, giàu cá tính, hay hát hay cười một mình, hay ngắm mình trong gương. - Tự đánh giá mình là một cô gái khá, có hai bím tóc dài, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Mắt dài, màu nâu hay nheo lại như chói nắng và được các anh chiến sĩ nhận xét là “có cái nhìn sao mà xa xăm”. - Chị có cái điệu đà của một cô gái Hà Nội nhưng đáng yêu, hồn nhiên và chân thực. Điểm xinh xắn và điệu đà được cánh pháo thủ và lái xe quan tâm, khi đó chị cảm thấy ấm lòng và tự tin hơn. * Bản chất anh hùng, nghiêm túc trong công việc, tinh thần dũng cảm, luôn có thần chết rình rập. - Phương Định là một cô gái có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. - Tinh thần dũng cảm trong cuộc phá bom đầy nguy hiểm, chị dũng cảm, bình tĩnh tiến đến quả bom, đàng hoàng mà bước tới cùng xới xẻ đào đất, có lúc lưỡi xẻng chạm trúng vào quả bom. - Có những lúc chị nghĩ đến cái chết nhưng chỉ “mờ nhạt”, mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn được chị đặt lên trên. => Ấy vậy mà Phương Định vẫn đùa vui trong gian khổ, coi thường thương tích, coi rằng công việc của mình cũng có cái thú vị riêng. Cô là biểu tượng cho vẻ đẹp của lòng quả cảm, kiên cường của thế hệ nữ thanh niên xung phong thời chống Mĩ. * Tình cảm gắn bó với đồng chí, đồng đội. - Cô yêu thương, chiều chuộng Nho như một đứa em út trong nhà. - Khi Nho bị thương, cô lo lắng, chăm sóc, cảm thấy đau như chính mình bị thương. - Với chị Thao, Phương Định hiểu tính cách và tình cảm của chị, cô coi chị Thao như người chị cả trong gia đình. - Khi đồng đội trên cao điểm, Phương Định ở nơi an toàn trực điện đài, mà chẳng thể yên lòng: cô gắt lên với đội trưởng, cô sốt ruột chạy ra ngoài rồi lo lắng. => Tất cả đã làm hiện lên một thế giới tâm hồn tinh tế, trong sáng, nhân hậu và vẻ đẹp nhân cách của một người thiếu nữ, sống giữa hiện thực chiến tranh khốc liệt mà vẫn tràn đầy niềm yêu thương, tin tưởng dành cho con người và cuộc sống. * Đặc sắc nghệ thuật - Nghệ thuật miêu tả nhân vật đặc sắc. - Kể chuyện sinh động. - Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật, nhịp kể biến đổi linh hoạt. - Lựa chọn ngôi kể phù hợp, thể hiện được những nét tinh tế, sâu sắc trong tâm hồn nhân vật. 3, Kết bài - Với ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật sinh động, Lê Minh Khuê đã khắc họa thành công nhân vật Phương Định, người thiếu nữ Hà Nội với tâm hồn phong phú và lòng dũng cảm, tinh thần quên mình vì nhiệm vụ. Nhà văn đã góp cho văn xuôi chống Mĩ một trong những hình tượng sống động và đáng yêu nhất.