Đề thi thử vòng 1 học sinh giỏi lớp 12 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Có đáp án)

doc 5 trang thungat 3160
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử vòng 1 học sinh giỏi lớp 12 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_thu_vong_1_hoc_sinh_gioi_lop_12_nam_hoc_2016_2017_tru.doc

Nội dung text: Đề thi thử vòng 1 học sinh giỏi lớp 12 - Năm học 2016-2017 - Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Có đáp án)

  1. Trường THPT Ngô Thì Nhậm ĐỀ THI THI THỬ VÒNG 1 HỌC SINH GIỎI LỚP 12 Năm học: 2016 – 2017 MÔN: Ngữ Văn Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi gồm 02 câu, trong 01 trang) Câu 1 (8,0 điểm) Ca dao Việt Nam có câu: “Không có mợ thì chợ vẫn đông Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui” Một nhà thơ Nga lại viết: “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời Mỗi số phận chứa một phần lịch sử Một số phận riêng, dù rất nhỏ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu” Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra trong hai trích dẫn trên? Theo anh (chị) điều gì sẽ xảy ra nếu anh (chị) không được sinh ra trên đời? Câu 2 (12 điểm) Trong tập tiểu luận “Trang giấy trước đèn”, Nguyễn Minh Châu từng viết, đại ý: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác và số phận đen đủi dồn đến chân tường, để bênh vực cho những con người không còn được ai bênh vực” Anh (chị) hiểu nhận định trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một truyện ngắn đã học hoặc đọc thêm. Hết
  2. Trường THPT Ngô Thì Nhậm HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ HSG LỚP 12 Năm học: 2016 – 2017 MÔN: Ngữ Văn (Hướng dẫn chấm gồm 03 trang) Câu 1 (8,0 điểm) * Yêu cầu về kĩ năng: Thí sinh biết cách làm bài nghị luận xã hội; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết cấu rõ ràng, dẫn chứng phong phú, giàu sức thuyết phục; không mắc các loại lỗi. * Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục; khuyến khích những bài viết có cách lập ý sáng tạo, đưa ra được những suy nghĩ, kiến giải, đề xuất sâu sắc, thuyết phục; biết gắn với thực tế để bàn luận. Dưới đây là một số ý đề xuất: * Giới thiệu vấn đề cần nghị luận * Giải thích câu nói - Câu ca dao Việt Nam: cá nhân chỉ là một phần tử của xã hội, thiếu cá nhân ấy, xã hội vẫn tồn tại, phát triển bình thường. - Đoạn thơ của nhà thơ Nga: Mỗi cá nhân sinh ra trên đời không bao giờ “tẻ nhạt mãi”, dù nhỏ bé nhưng mỗi cá nhân lại mang trong mình một phần đặc tính của lịch sử, những nét đặc trưng cho một dân tộc, một thời đại . Mỗi cá nhân cũng là duy nhất trên thế giới này, mỗi người có một đời sống tâm hồn riêng, rất phong phú và đa dạng. => Cả hai trích dẫn đều nêu lên mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Hai quan niệm ấy không mâu thuẫn nhau mà phản ánh hai mặt của một vấn đề: cá nhân rất nhỏ bé, thiếu đi một người thì xã hội vẫn phát triển bình thường nhưng chính những con người nhỏ bé đó lại góp phần làm nên lịch sử, tạo nên nét đặc trưng cho cộng đồng. * Bàn luận: - Con người chỉ là một phần tử nhỏ bé trong xã hội: xã hội được tạo thành từ hàng triệu cá nhân khác nhau, thiếu đi một cá nhân thì sẽ có ngay một người khác thay vào vị trí thiếu hụt đó, xã hội vẫn hoạt động và phát triển bình thường => Con người không thể chiếm vị trí độc tôn trong xã hội, sớm hay muộn thì sẽ có người khác thay thế họ, thậm chí còn xuất sắc hơn. - Tuy nhiên mỗi con người lại là một cá thể độc đáo, không lặp lại. Nếu chịu khó tìm hiểu con người, đi sâu vào thế giới nội tâm của họ thì ta sẽ thấy mỗi cá nhân dù thoạt nhìn có vẻ tẻ nhạt nhưng lại là một thế giới không cùng, một quyển sách đọc không bao giờ hết. Mỗi người chứa đựng một phần lịch sử, mang những nét đặc trưng của dân tộc, thời đại . => những nét riêng ấy hợp thành màu sắc đa dạng, phong phú cho xã hội, thiếu đi một gam màu bức tranh sẽ bớt sống động, cuộc sống bớt thú vị đi .
  3. - Mối quan hệ qua lại giữa cá nhân và xã hội: là quan hệ hai chiều: + Không có cá nhân thì cũng không thể có xã hội, cũng không thể có lịch sử phát triển của xã hội. Mỗi cá nhân có một vị trí nhất định trong xã hội (ví dụ: thiếu một người công nhân, nhà máy có thể có một người công nhân khác nhưng với gia đình, bạn bè, người thân thì người công nhân ấy là duy nhất, không thể thay thế) => vì vậy dù không phải là một tướng lĩnh tài ba, một lãnh tụ xuất chúng hay một nhà bác học lỗi lạc bất kì cá nhân nào cũng có thể sống có ích, có ý nghĩa. + Cá nhân không thể tồn tại tách khỏi xã hội, xã hội tác động lớn đến cuộc sống của mỗi cá nhân. - Liên hệ thực tế để rút ra bài học +) Con người cần tăng cường tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh chung cho cả cộng đồng vì mỗi cá nhân dù nhỏ bé nhưng khi đoàn kết lại sẽ tạo thành một tập thể lớn lao. +) Thực tế có những cá nhân mắc bệnh “ngôi sao”: tự cho mình là nhất, không ai thay thế được, coi thường những người khác => cần lên án. - Liên hệ bản thân để trả lời câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu bản thân không được sinh ra trên đời? Nếu bản thân không được sinh ra trên đời thì xã hội vẫn phát triển bình thường nhưng thiếu đi một cá tính. Ví dụ: +) Bố mẹ sẽ có một người con khác, có thể họ vẫn sống vui vẻ. Con cái họ sẽ nghịch ngợm và trưởng thành theo cách khác, bố mẹ sẽ yêu thương và chăm sóc họ theo cách khác. Bạn bè sẽ có người bạn khác để vui chơi . +) Tuy nhiên bạn bè sẽ không có mình để vui chơi theo cách của mình, bố mẹ sẽ mất đi sự đùa nghịch, yêu thương của mình mọi người sẽ không được nhận quà và tặng quà cho mình, sẽ không có những kỉ niệm mà chỉ bản thân mình mới mang đến được => thiếu mình, cuộc sống của mọi người xung quanh sẽ mất đi một phần niềm vui => Từ đó cần suy nghĩ và hành động để sống tốt hơn khi được may mắn sinh ra trong cuộc đời, cần biết yêu thương những người xung quanh mình. * Cách cho điểm: - Điểm 7 - 8: Đáp ứng tốt nội dung trên, có nhiều sáng tạo trong cấu trúc bài, có hiểu biết sâu sắc, lập luận chặt chẽ, lí lẽ thấu đáo, cách bày tỏ chân thành, có cảm xúc; có thể còn vài sai sót không đáng kể về chính tả và dùng từ. - Điểm 5 - 6: Đáp ứng khá tốt yêu cầu trên; diễn đạt trôi chảy; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp. - Điểm 3 - 4: Đáp ứng khoảng ½ yêu cầu; mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp. - Điểm 1 - 2: Bài sơ sài, lúng túng trong triển khai vấn đề, mắc nhiều lỗi các loại. - Điểm 0: Không viết gì hoặc lạc đề hoàn toàn. Phần II: Viết (12,0 điểm) 1. Yêu cầu về kĩ năng:
  4. Thí sinh biết cách viết một bài văn nghị luận. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; lập luận thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 2. Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: a. Nêu vấn đề cần nghị luận b. Giải quyết vấn đề - Giải thích nhận định: +) Những con người “cùng đường tuyệt lộ”, có “số phận đen đủi”, bị “dồn đến chân tường”, “không còn được ai bênh vực” là những con người có số phận bất hạnh, có cuộc đời khổ đau bế tắc bị dồn vào bước đường cùng. Họ là hiện thân cho những cuộc đời bơ vơ bất hạnh cần chia sẻ, cảm thông. +) Nhà văn là người “nâng giấc” cho những số phận ấy nghĩa là phải biết cảm thông, chia sẻ, an ủi và bênh vực họ. => Nhận định đề cao thiên chức của nhà văn: nhà văn phải có tấm lòng nhân đạo, biết cảm thương, bênh vực với những cuộc đời bất hạnh. - Chứng minh: Thí sinh có thể chọn bất kì một truyện ngắn nào đã học hoặc đọc thêm để làm sáng tỏ vấn đề nhưng cần chỉ ra được: + Những nhân vật “cùng đường tuyệt lộ”, có “số phận đen đủi”, bị “dồn đến chân tường”, “không còn được ai bênh vực” trong truyện ngắn đó là ai? Vì sao họ bị đẩy vào hoàn cảnh như thế? + Nhà văn đã “nâng giấc” cho những số phận ấy như thế nào? (bênh vực họ ra sao? Phát hiện và khẳng định những vẻ đẹp nào của họ? ) - Đánh giá chung: +) Nhận định của Nguyễn Minh Châu đã khái quát một trong những chức năng lớn của văn học: văn học phải vì cuộc sống của con người, phải góp phần làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp hơn. +) Khi phản ánh cuộc sống, chiều sâu nhân đạo của một tác phẩm văn học thể hiện ở chỗ tác phẩm ấy đã “nâng giấc” cho con người như thế nào? Nhà văn muốn làm được điều đó không chỉ cần tài năng mà còn cần có một cái Tâm với cuộc đời, như SêKhốp từng nói: “Nhà văn chân chính trước hết là những nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. c. Kết thúc vấn đề Thang điểm: - Điểm 11 - 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, có nhiều sáng tạo trong cấu trúc bài; lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc, có thể còn vài sai sót không đáng kể về chính tả dùng từ. - Điểm 8 - 10: Đáp ứng khá tốt những yêu cầu trên; lập luận tương đối chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
  5. - Điểm 5 - 7: Đáp ứng ½ yêu cầu; mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Điểm 2 - 4: Bài sơ sài, lúng túng trong triển khai vấn đề, lập luận chưa chặt chẽ, thuyết phục, mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp. - Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn.