Đề thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS môn Lịch sử - Năm học 2015-2016

doc 4 trang thungat 4900
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS môn Lịch sử - Năm học 2015-2016", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_giao_vien_day_gioi_cap_thcs_mon_lich_su_nam_hoc_2015.doc

Nội dung text: Đề thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS môn Lịch sử - Năm học 2015-2016

  1. UBND HUYỆN BÌNH XUYÊN ĐỀ THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP THCS PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC: 2015 – 2016 MÔN: LỊCH SỬ Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề) I. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (6,0 điểm): Hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa của Hội nghị Ianta (2.1945). Sự giống, khác nhau giữa hai trật tự thế giới: Vecxai - Oasinhtơn và Ianta. II. LỊCH SỬ VIỆT NAM (14,0 điểm): Câu 1 (6,0 điểm). Bằng kiến thức lịch sử có chọn lọc, chứng minh rằng: Phong trào Tây Sơn đã hoàn thành hai nhiệm vụ là thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vị trí của phong trào Tây Sơn trong lịch sử dân tộc. Câu 2 (8,0 điểm). Phân tích điều kiện bùng nổ của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Điều kiện nào đã quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám? HƯỚNG DẪN CHẤM: MÔN LỊCH SỬ
  2. I. LỊCH SỬ THẾ GIỚI (6,0 điểm): 1. Hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa của Hội nghị Ianta (4,0 điểm) * Hoàn cảnh (0,5 điểm): - Đầu năm 1945, CNPX liên tiếp thất bại trước quân Đồng minh. Ba vấn đề quan trọng và cấp bách đật ra là nhanh chóng đánh bại các nước PX; tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận. - Từ ngày 4 đến 11.2.1945, một hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô). Tham dự hội nghị có nguyên thủ ba nước Liên Xô, Mĩ, Anh. * Nội dung (3,0 điểm): Hội nghị đưa ra 3 quyết định quan trọng (1,0 điểm) - Thống nhất tiêu diệt tận gốc CNPX Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, sau khi đánh bại PX Đức, Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản ở châu Á. - Thành lập tố chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. - Thỏa thuận việc đóng quân và phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu, châu Á. Ở châu Âu (1,0 điểm) + Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Béclin và các nước Đông Âu. Quân đội Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Béclin và các nước Tây Âu. + Vùng Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. Ở châu Á (1,0 điểm) + Hội nghị chấp nhận những điều kiện để Liên Xô tham chiến chống Nhật: giữ nguyên trạng Mông Cổ; khôi phục quyền lợi của nước Nga đã bị mất do cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1904, trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin + Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản; ở bán đảo Triều Tiên, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc và quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Trung Quốc trở thành quốc gia thống nhất và dân chủ; trả lại cho Trung Quốc vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan. Các vùng còn lại của châu Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây. * Ý nghĩa (0,5 điểm): Toàn bộ những quyết định của Hội nghị Ianta cùng những thỏa thuận sau đó của ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh đã trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới, thường được gọi là trật tự hai cực Ianta. 2. Sự giống và khác nhau của hai trật tự thế giới (2,0 điểm); - Giống nhau (1,0 điểm): + Cả hai trật tự hình thành đều gắn liền với chiến tranh thế giới + Hai trật tự này đều do các cường quốc thắng trận quyết định( Mĩ, Anh – Liên Xô, Mĩ, Anh). + Đều có những tổ chức quốc tế để bảo vệ, duy trì những trật tự thế giới vừa được quy định ( Hội quốc liên – Liên hợp quốc). - Khác nhau (1,0 điểm): + Tuy trật tự thé giới đều do các nước thắng trận quyết định, song ở trật tự Ianta Liên Xô là nước XHCN, là thành trì, chỗ dựa của cách mạng thế giới nên phe đế quốc không thể làm mưa làm gió như trước. + Trật tự Ianta phân làm hai cực do hai siêu cường đứng đầu nên đưa tới hậu quả dần có sự đối đầu nhau, mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt – điển hình là cuộc chiến tranh lạnh - chạy đua vũ
  3. trang, chi ngân sách khổng lồ cho chiến tranh. Cuộc chiến tranh này bao trùm mọi mặt đời sống xã hội. II. LỊCH SỬ VIỆT NAM (14,0 điểm) Câu 1 (6,0 điểm): Phong trào Tây Sơn a. Phong trào Tây Sơn đã hoàn thành hai nhiệm vụ (4,0 điểm): * Phong trào Tây Sơn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước (2,0 điểm): - Năm 1771, ba anh em Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa ở Tây Sơn thượng đạo ( An Khê – Gia Lai) Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, mùa thu 1773, nghĩa quân vượt đèo An Khê tiến xuống giải phóng Tây Sơn hạ đạo (Tây Sơn – Bình Định). Được nhân dân ủng hộ, nghĩa quân tỏa ra mở rộng vùng giải phóng, biến toàn bộ phủ Quy Nhơn thành căn cứ địa của phong trào. - Từ 1776 đến 1783, quân Tây Sơn liên tục mở các cuộc tấn công vào vùng đất Gia Định, giải phóng hầu hết Đàng Trong và tiêu diệt lực lượng các căn cứ của chúa Nguyễn. - Nguyễn Huệ dẫn đầu đoàn quân Tây Sơn tiến ra Đàng Ngoài, phá bỏ ranh giới sông Gianh, lũy Thầy, lật đổ chế độ chúa Trịnh (1786), vua Lê (1788) lập lại nền thống nhất đất nước. * Tây Sơn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (2,0 điểm): - Ở phía Nam, sau khi chính quyền chúa Nguyễn bị lật đổ, Nguyễn Ánh đã chạy sang cầu cứu vua Xiêm. Nhân cơ hội này, vua Xiêm cất quân xâm lược nước ta. Nguyễn Huệ tổ chức trận Rạch Gầm – Xoài Mút đánh tan 5 vạn quân Xiêm, đập tan tham vọng xâm lược nước ta của vua Xiêm . - Ở phía Bắc, trong bước đường cùng, vua Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu nhà Mãn Thanh. Vua Thanh là Càn Long huy động 29 vạn quân giao cho Tôn Sĩ Nghị chỉ huy theo bốn đường tiến đánh nước ta. Ngay sau khi nhận được tin quân Thanh xâm lược, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung (1788), thống suất đại quân khẩn trương lên đường ra Bắc đánh tan quân Thanh với chiến thắng vang dội Ngọc Hồi – Đống Đa (1789) và xây dựng vương triều mới. b. Vị trí của phong trào Tây Sơn (2,0 điểm): - Là phong trào nông dân rộng lớn, vĩ đại nhất trong thế kỉ XVIII. - Từ cuộc khởi nghĩa ban đầu có qui mô địa phương đã phát triển thành phong trào nông dân toàn quốc, lật đổ ba tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê, thống nhất đất nước. - Từ cuộc đấu tranh giai cấp đã phát triển thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc vĩ đại; đập tan sự can thiệp của quân xâm lược Xiêm, Thanh; bảo vệ độc lập Tổ quốc, làm nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc. - Xây dựng vương triều mới với nhiều cải cách tiến bộ, mở ra hướng phát triển mới của đất nước, của dân tộc. Câu 2 (8,0 điểm). Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 a. Điều kiện lịch sử (7,5 điểm): * Điều kiện chủ quan (2,5 điểm): - Đến tháng 8.1945, Đảng ta đã có sự chuẩn bị đầy đủ về đường lối và phương pháp cách mạng cho một cuộc Tổng khởi nghĩa. Toàn Đảng, toàn dân ta đã sẵn sàng hành động, kiên quyết hy sinh để giành độc lập, tự do. - Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng (5.1941) đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thành lập Mặt trận Việt Minh, đồng thời đề ra chủ trương khởi nghĩa vũ trang Nghị quyết của Hội nghị đã mở đường cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945. - Lực lượng cách mạng, bao gồm lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang được Đảng ta chuẩn bị chu đáo trong suốt 15 năm đã trưởng thành. Lực lượng cách mạng được rèn luyện qua
  4. các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và nhất là cuộc tập dượt vĩ đại trong cao trào kháng Nhật cứu nước từ tháng 3 đến tháng 8.1945. - Quần chúng nhân dân đã sẵn sàng cùng với Đảng vùng lên đấu tranh. Dưới ách thống trị của đế quốc phát xit Pháp – Nhật, mọi tầng lớp nhân dân đều khổ cực. Đến tháng 8.1945, toàn Đảng, toàn dân đã sẵn sàng, chủ động tiến lên chớp thời cơ tổng khởi nghĩa. - Tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng. Từ khi Nhật đảo chính Pháp (3.1945), tầng lớp trí thức tiểu tư sản, tư sản dân tộc, bộ phận địa chủ nhỏ cũng đứng về phía cách mạng * Điều kiện khách quan (2,5 điểm): - Thuận lợi: + Đầu tháng 5.1945, phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt, từ đó quân phiệt Nhật bị cô lập. Ngày 8.8.1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, tiêu diệt đạo quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 6 và 9.8.1945, Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật. + Ngày 15.8.1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, lo sợ đến cực điểm. kẻ thù của cách mạng không thể giữ được quyền thống trị như cũ được nữa. Điều kiện khách quan thuận lợi cho tổng khởi nghĩa đã đến. Thời cơ cách mạng đá xuất hiện. - Khó khăn: + Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quân đội các nước đế quốc với danh nghĩa Đồng minh chuẩn bị vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật, song thực chất là chúng muốn tiêu diệt chính quyền cách mạng, đàn áp Đảng Cộng sản. + Với bản chất đế quốc, chúng sẽ dựng ra một chính quyền tay sai. Trong khi đó, các thế lực phản động trong nước cũng đang tìm cách thay thầy đổi chủ. Một nguy cơ mới đang đến gần với dân tộc ta. Chính vì thế, vấn đề giành chính quyền được đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút với quân Đồng minh mà nhân dân Việt Nam không thể chậm trễ. * Sự lãnh đạo kịp thời của Đảng (2,5 điểm): - Nhận được tin Nhật sắp đầu hàng, ngày 13.8.1945, TƯ Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Từ ngày 14 đến ngày 15.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa. Tiếp đó, từ ngày 16 đến ngày 17.8.1945, Đại hội Quốc dân ở Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. - Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. - Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, trong những điều kiện thuận lợi, cả dân tộc ta đã nhất tề vùng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, làm tan rã bộ máy chính quyền của phát xít Nhật và tay sai, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. b. Điều kiện quyết định thắng lợi (0,5 điểm): Trong những diều kiện trên thì điều kiện chủ quan giữ vai trò quyết định. Vì nếu không có sự chuẩn bị chu đáo của Đảng, thì cho dù điều kiện khách quan có thuận lợi, cũng không thể nổ ra một cuộc tổng khởi nghĩa được. Sự lãnh đạo của Đảng giữ vai trò quan trọng nhất, quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.