Đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi thử THPT Quốc gia lần 2 năm 2018 - Sở GD&ĐT Nghệ An

doc 6 trang thungat 3710
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi thử THPT Quốc gia lần 2 năm 2018 - Sở GD&ĐT Nghệ An", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_mon_ngu_van_ky_thi_thu_thpt_quoc_gia_lan_2_nam_2018_s.doc

Nội dung text: Đề thi môn Ngữ văn - Kỳ thi thử THPT Quốc gia lần 2 năm 2018 - Sở GD&ĐT Nghệ An

  1. SỞ GD&ĐT NGHỆ AN KÌ THI THỬ THPTQG LẦN 2 NĂM 2018 LIÊN TRƯỜNG THPT Bài thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không thể thời gian phát đề I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu: Chuyện kể rằng Có quả trứng đại bàng Rơi vào ổ gà đang ấp Khi nở ra cùng với bầy gà Đại bàng con ngượng ngùng chiêm chiếp Nhảy bay loạng choạng sân nhà. Không ai nói với đại bàng về những chân trời xa Về những đại ngàn bí mật Nên nó vẫn hồn nhiên bới đất Chỉ có khát vọng mơ hồ Lâu lâu lại cồn cào trong ngực Làm sao mà ai biết Mình đã bắt đầu từ quả trứng nào đây Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay? (Khát vọng, Đặng Hồng Thiệp, Thơ Sông Lam, trang 247, Nxb Hội nhà văn, 2017) Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên. Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của hình ảnh bầy gà trong văn bản? Câu 3. Chỉ ra hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay? Câu 4. Đọc văn bản trên, anh/chị thấy thông điệp nào có ý nghĩa nhất? Vì sao? II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) Trong văn bản Đọc hiểu, nhà thơ Đặng Hồng Thiệp đề cao Khát vọng, còn người xưa (Lão Tử) lại khuyên người đời nên sống Biết đủ, biết dừng (Tri túc, tri chỉ). Anh/chị chọn cách sống nào? Hãy trình bày quan điểm cá nhân trong một đoạn văn (khoảng 200 chữ). Câu 2. (5,0 điểm) Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.
  2. Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. [ ]Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. (Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, Nxb GD, 2016, trang 24-25) Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó, liên hệ với bức tranh cuộc sống ở phố huyện nghèo và những con người “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ” (Hai đứa trẻ - Thạch Lam, Ngữ văn 11, Tập một, Nxb GD, 2016) để thấy được ngòi bút nhân đạo của các nhà văn. HẾT
  3. SỞ GD&ĐT NGHỆ AN KÌ THI THỬ THPTQG LẦN 2 NĂM 2018 LIÊN TRƯỜNG THPT HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) Câu 1. (0,5 điểm) Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: biểu cảm, tự sự. - Nêu một phương án: 0,25 điểm - Nêu thừa phương án: 0,25 điểm Câu 2. (0.5 điểm) Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng nổi bật được một hoặc tất cả các ý nghĩa của hình ảnh bầy gà: - Hoàn cảnh sống trói buộc, tù túng - Cái tầm thường, thiển cận, hạn hẹp, kém cỏi . Câu 3. (1,0 điểm) - Chỉ ra biện pháp tu từ: 0,5 đ + Ẩn dụ (vỗ cánh tung bay- sự trưởng thành, vươn tới tầm cao, vượt lên hoàn cảnh ) + Câu hỏi tu từ: Sao không thử một lần vỗ cánh tung bay? Nêu một phương án: 0,25đ - Hiệu quả: 0,5đ Là lời khuyến khích con người mạnh dạn tự thử thách để trưởng thành, dũng cảm vượt lên giới hạn của bản thân. Làm cho câu thơ giàu hình ảnh, giàu sắc thái biểu cảm (thể hiện sự trăn trở, day dứt của tác giả). Câu 4. (1,0 điểm) Thí sinh nêu được một thông điệp có ý nghĩa và giải thích lí do vì sao. Có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau về nội dung các thông điệp, sau đây là một số phương án trả lời: - Sống trong hoàn cảnh tầm thường, trói buộc, con người có thể trở nên tầm thường, thiển cận, vô dụng, kém cỏi Vì thế, phải biết thay đổi, cải tạo hoàn cảnh hoặc vượt lên hoàn cảnh để mình là chính mình. - Con người cần khám phá, phát hiện những sở trường, năng lực vốn có của bản thân để phát huy nội lực, vươn tới tầm cao. - Con người phải có khát vọng lớn lao, cần dũng cảm bước ra cuộc đời rộng lớn, chấp nhận thử thách để trưởng thành. II. LÀM VĂN (7,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) a. Yêu cầu về kĩ năng: HS biết viết đoạn nghị luận xã hội, có dung lượng khoảng 200 chữ, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc. b. Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật, đảm bảo các nội dung chính sau: *Giải thích - Khát vọng: mong muốn, đòi hỏi chính đáng với một sự thôi thúc mạnh mẽ.
  4. - Biết đủ, biết dừng: bằng lòng, nhận thức được giới hạn; không đòi hỏi, không ham muốn thêm ngoài cái mình đã có . *Bàn luận: Thí sinh có thể bàn luận theo nhiều hướng khác nhau: - Đồng tình với quan điểm sống đề cao khát vọng: + Để hướng tới những điều đẹp đẽ, lớn lao + Để có động lực phát huy hết năng lực bản thân + Để có động lực vượt qua thử thách đến thành công - Đồng tình với quan điểm biết đủ, biết dừng: + Để thấy hạnh phúc, hài lòng với bản thân, với hiện tại. + Để có cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản, không bon chen - Cái nhìn đa chiều về hai quan điểm sống: phân tích ưu, nhược điểm của hai quan điểm sống trên và rút ra kết luận: phải biết hài hòa giữa khát vọng và sự bằng lòng, không biến khát vọng thành tham vọng cũng như không biến sự bằng lòng thành chấp nhận, cam chịu. *Bài học nhận thức và hành động: tùy vào sự lựa chọn quan điểm sống của thí sinh Thang điểm: Điểm 2: Đạt các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức nêu trên, có ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, văn viết lưu loát. Điểm 1. - Đáp ứng cơ bản các yêu cầu của đề, còn mắc lỗi diễn đạt. - Đạt các yêu cầu về kiến thức, văn viết lưu loát, chưa đảm bảo yêu cầu hình thức (đoạn văn). Điểm 0,5: không hiểu rõ đề, bài quá sơ sài. Câu 2 (5,0 điểm) a. Yêu cầu về kĩ năng: - Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng để viết một bài văn nghị luận văn học. - Bài viết có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ trong sáng, có cảm xúc. - Vận dụng tốt các thao tác lập luận. b. Yêu cầu về kiến thức Trên cơ sở những hiểu biết về tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân và đoạn trích, thí sinh có thể trình bày cảm nhận của bản thân về đoạn trích, liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Sau đây là một số ý cần đạt: 1. Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ nhặt và vị trí đoạn trích. 2. Cảm nhận đoạn trích. a. Nội dung - Tái hiện bức tranh bi thảm về nạn đói khủng khiếp năm 1945 qua không gian một ngã tư xóm chợ bị bao trùm bởi sự chết chóc, thê lương (các hình ảnh: lũ lượt bồng bế, dắt díu, những cái thây nằm còng queo, màu sắc: xanh xám, tối sầm mùi vị: mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người )
  5. => Bức tranh bao quát về nạn đói có một không hai trong lịch sử dân tộc có sức tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. - Qua một tình huống độc đáo - Tràng nhặt được vợ - nhà văn phát hiện khát vọng đáng trân trọng của người nông dân ngay khi cận kề cái chết: + Tràng: phớn phở khác thường, tủm tỉm cười, hai mắt sáng lên lấp lánh Tràng thành một con người khác, hài lòng với niềm hạnh phúc mới mẻ - mái ấm gia đình. + Những người trong xóm: lạ, bàn tán, hiểu, bỗng rạng rỡ hẳn lên Bên bờ vực cái chết vì đói khát vẫn biết chia sẻ, biết cảm thông cho nhau, tin tưởng vào điều tốt đẹp. b. Nghệ thuật - Tạo tình huống truyện độc đáo. - Nghệ thuật miêu tả: bút pháp tả thực tạo ấn tượng mạnh, miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. - Ngôn ngữ sinh động, so sánh độc đáo, giàu tính tạo hình 3. Liên hệ với bức tranh cuộc sống phố huyện nghèo và những con người “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng hơn cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ” trong truyện ngắn Hai đứa trẻ Thí sinh trình bày sơ lược về đặc điểm bức tranh cuộc sống phố huyện nghèo và những con người trong bóng tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ. - Bức tranh cuộc sống: nhỏ hẹp, nghèo nàn, nhịp điệu sống quẩn quanh, tù đọng. - Những con người trong bóng tối: nhỏ bé, mòn mỏi, đáng thương nhưng luôn mơ ước, hướng về ánh sáng, sự sống qua việc chờ đợi đoàn tàu hằng đêm. 4. Nhận xét về ngòi bút nhân đạo của các nhà văn - Điểm khác nhau: + Thạch Lam: xuất phát từ hiện thực ở một phố huyện nghèo trước Cách mạng tháng Tám, tác giả bày tỏ niềm xót thương, đồng cảm đối với những con người cơ cực, quẩn quanh, mỏi mòn và nâng đỡ những ước mơ đổi đời tuy còn mơ hồ của họ. + Kim Lân: xuất phát từ hiện thực là nạn đói khủng khiếp năm 1945, tác giả bộc lộ nỗi đau đớn, xót xa đối với những người nông dân cận kề cái chết và trân trọng những khát vọng hạnh phúc đầy tính nhân bản của con người - khát khao tổ ấm gia đình. - Điểm giống nhau: + Bộc lộ lòng niềm thương cảm, xót xa trước những con người nhỏ bé, cảnh đời nghèo nàn, đói khát. + Trân trọng những ước mơ, khát vọng đẹp đẽ và niềm tin vào cuộc sống của những con người nghèo khổ. Thang điểm Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng, diễn đạt logic, lập luận chặt chẽ. Bài viết có cảm xúc và sáng tạo. Bài làm có thể còn mắc một vài sai sót nhỏ không đáng kể về chính tả, dùng từ. Điểm 4. Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng, lập luận hợp lí. Bài làm còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.
  6. Điểm 3. Tỏ ra hiểu đề, bố cục rõ ràng nhưng bài làm phân tích chưa sâu, mắc một số lỗi về diễn đạt. Điểm 2-1: Hiểu chưa đúng trọng tâm của đề, mắc nhiều lỗi về diễn đạt. Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp/ bỏ giấy trắng. (Giám khảo dựa vào những tiêu chuẩn trên để đề ra các mức điểm khác, linh hoạt trong chấm và cho điểm)