Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 6, 7 , 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Giao Thủy (Có đáp án)

pdf 16 trang thungat 4830
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 6, 7 , 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Giao Thủy (Có đáp án)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfde_thi_hoc_sinh_gioi_mon_ngu_van_lop_6_7_8_nam_hoc_2015_2016.pdf

Nội dung text: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn Lớp 6, 7 , 8 - Năm học 2015-2016 - Phòng GD&ĐT Giao Thủy (Có đáp án)

  1. PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016 GIAO THỦY Môn: NGỮ VĂN- Lớp 6 (Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề) ĐỀ CHÍNH THỨC Câu 1: (3 điểm) Cho đoạn văn sau: “Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại ” (Theo Khái Hưng) a. Hãy phát hiện biện pháp tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn trên? b. Trong đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” thuộc tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí, nhà văn Tô Hoài đã thể hiện năng lực quan sát và miêu tả rất tài hoa của mình. Học tập nhà văn, em hãy dựng một đoạn văn (6 đến 8 dòng tờ giấy thi) tả cảnh cánh đồng nơi Dế Mèn và Dế Choắt sinh sống theo tưởng tượng của em, trong đó có sử dụng biện pháp tu từ em vừa phát hiện được trong đoạn văn ở phần (a)? Gạch chân dưới câu văn có sử dụng biện pháp tu từ đó? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn văn em viết? Câu 2: (7 điểm) Hãy trình bày cảm nhận của em về cái hay cái đẹp của đoạn văn sau: “Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông” (Trích “Cô Tô”- Nguyễn Tuân) Câu 3: (10,0 điểm) Trong bài thơ Mầm Non, nhà thơ Võ Quảng viết: Chợt một tiếng chim kêu: - Chiếp, chiu, chiu! Xuân tới! Tức thì trăm ngọn suối Nổi róc rách reo mừng Tức thì ngàn chim muông Nổi hát ca vang dậy Mầm Non vừa nghe thấy Vội bật chiếc vỏ rơi Nó đứng dậy giữa trời Khoác áo màu xanh biếc! Đoạn thơ đã vẽ ra một khung cảnh mùa xuân thật nên thơ, sống động, kì diệu. Vạn vật đều mang trong mình một sức sống mới và như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài trong suốt mùa đông băng giá. Vận dụng cách miêu tả của nhà thơ, bằng trí tưởng tượng phong phú của mình cùng với những quan sát trong thực tế, em hãy viết bài văn miêu tả cảnh mùa xuân về trên quê hương em. -HẾT- Họ và tên thí sinh: Họ, tên chữ ký GT1: Số báo danh: Họ, tên chữ ký GT2:
  2. PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016 GIAO THỦY Môn: NGỮ VĂN- Lớp 7 (Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề) ĐỀ CHÍNH THỨC Câu 1: (4,0 điểm) Cho đoạn văn sau: Cây sồi. Ngọn cỏ. Cơn gió Chuyện kể về một cây sồi kiêu căng luôn muốn mọc cao, cao mãi, để xa rời những ngọn cỏ nhỏ bé, thấp kém xung quanh mình. Nhưng rồi một ngày, một cơn giông bão lớn ập đến cuốn phăng đi mọi vật, quật ngã nhiều cây lớn trong khu rừng. Quật ngã cả cây sồi Khi cơn bão qua đi, sồi gục ngã, còn những ngọn cỏ quanh nó thì vẫn xanh tươi a. Đoạn văn trên rút ra bài học cuộc đời gì đáng suy ngẫm? b. Hãy phát hiện câu đặc biệt, câu rút gọn được sử dụng trong đoạn văn? c. Em hãy dựng một đoạn văn (từ 8 đến 10 dòng tờ giấy thi) nêu suy nghĩ của em về bài học được rút ra ở trên? Trong đoạn văn có sử dụng một câu đặc biệt và một câu rút gọn. (Gạch chân dưới câu đặc biệt và câu rút gọn đó). Câu 2: (6,0 điểm) Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau: “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân” (Trích Mùa xuân của tôi- Vũ Bằng) Câu 3: (10,0 điểm) “Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời” (A.U-Pit) Bằng những hiểu biết của em về sách và việc đọc sách, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên? -HẾT- Họ và tên thí sinh: Họ, tên chữ ký GT1: Số báo danh: Họ, tên chữ ký GT2:
  3. PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016 GIAO THỦY Môn: NGỮ VĂN - Lớp 8 (Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề) ĐỀ CHÍNH THỨC Câu 1: (3,0 điểm) Cho phần trích sau đây: “Thôi học trò đã về hết, hoa phượng ở lại một mình. Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường. Hè đang thịnh, mọi nơi đều buồn bã, trường ngủ, cây cối cũng ngủ. Chỉ có hoa phượng thức để làm vui cho cảnh trường. Hoa phượng thức nhưng thỉnh thoảng cũng mệt nhọc, muốn lim dim. Gió qua, hoa giật mình, một cơn hoa rụng. Cứ như thế, hoa- học- trò thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa bạn học sinh! Hoa phượng rơi, rơi Hoa phượng mưa. Hoa phượng khóc. Trường tẻ ngắt, không tiếng trống, không tiếng người. Hoa phượng mơ, hoa phượng nhớ. Ba tháng trời đằng đẵng. Hoa phượng đẹp với ai, khi học sinh đã đi cả rồi!” (Theo Xuân Diệu) a. Hãy phát hiện và chỉ ra các biện pháp tu từ nghệ thuật được sử dụng trong phần trích trên?. b. Phân tích giá trị biểu cảm của các biện pháp tu từ ấy? Câu 2: (7,0 điểm) Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” (Trích “Hịch tướng sĩ”- Trần Quốc Tuấn, ngữ văn 8 tập 2) Câu 3: (10,0 điểm) Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” nhà phê bình văn học Hoài Thanh khẳng định: “Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài, nhất là bài “Nhớ rừng”, ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt Ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” Qua các đoạn thơ tái hiện lại cảnh tượng núi rừng hùng vĩ, nơi chúa sơn lâm từng ngự trị “tung hoành hống hách những ngày xưa” trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên? -HẾT- Họ và tên thí sinh: Họ, tên chữ ký GT1: Số báo danh: Họ, tên chữ ký GT2:
  4. PHÒNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016 GIAO THỦY Môn: Ngữ văn - Lớp 6 Câu 1: (3,0 điểm) * Yêu cầu: a. Phát hiện biện pháp tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn: 1,0đ. - Biện pháp nhân hóa: Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng ; sợ hãi, ngần ngại rụt rè ; âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm; mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại : 0,75đ (Trừ 0,25đ nếu chỉ nêu tên biện pháp mà không chỉ ra từ ngữ, hình ảnh cụ thể) - Biện pháp so sánh: như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất : 0,25đ (Không cho điểm nếu chỉ nêu tên biện pháp mà không chỉ ra từ ngữ, hình ảnh cụ thể) b. Dựng một đoạn văn (6 đến 8 dòng) tả cảnh cánh đồng nơi Dế Mèn và Dế Choắt sinh sống: 2,0đ. * Yêu cầu: - Tả cảnh cánh đồng nơi Dế Mèn và Dế Choắt sinh sống (Sử dụng một hoặc hai biện pháp nghệ thuật đã phát hiện trong đoạn văn ở phần (a) và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó). Gợi ý: + Khung cảnh đồng cỏ rộng mênh mông trải dài thành một thảm cỏ xanh bất tận. + Những giọt sương đêm long lanh đậu trên những ngọn cỏ non xanh + Những bông hoa dại đủ các màu sắc đua nhau đón ánh nắng mặt trời. + Chị gió nhẹ nhàng bay qua ve vuốt âu yếm những bông hoa đồng nội + Đây là nơi Dế Mèn, Dế Choắt sinh sống và cũng là nơi trú ngụ của những chị Cào Cào duyên dáng, những cô Chuồn Chuồn Kim xinh đẹp * Cách cho điểm: + Học sinh viết đúng số dòng theo quy định, viết đúng hình thức một đoạn văn, trình bày đúng nội dung; diễn đạt mạch lạc trôi chảy tự nhiên; vận dụng hiệu quả biện pháp nghệ thuật; gạch chân dưới câu văn sử dụng biện pháp nghệ thuật, nêu chính xác tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó: 1,75- 2,0đ - Trình bày đúng nội dung, đã biết vận dụng biện pháp nghệ thuật, miêu tả tương đối sinh động nhưng đôi chỗ diễn đạt còn lủng củng: 1,0- 1,5đ. - Miêu tả sơ sài, khô khan, thiếu chất văn, không sử dụng biện pháp nghệ thuật, diễn đạt rất lủng củng: 0,25- 0,75đ - Thiếu hoặc sai hoàn toàn: 0đ. - Chú ý: + Viết sai số dòng: trừ 0,25đ + Viết không đúng hình thức một đoạn văn: trừ 0,25đ.
  5. + Không gạch chân dưới câu văn có sử dụng biện pháp nghệ thuật: trừ 0,25đ. + Không nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật: trừ 0,5đ. + Học sinh có thể linh hoạt diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, miêu tả những khung cảnh khác nhau tùy theo tưởng tượng của các em. Giám khảo không chấm bài rập khuôn theo ngôn ngữ của đáp án. Cần khuyến khích và thưởng điểm cho những bài làm sáng tạo. Câu 2: (7,0 điểm) *Yêu cầu: - Về kĩ năng: Có thể dựng thành một đoạn văn hoặc một văn bản ngắn có bố cục ba phần; diễn đạt tự nhiên, trong sáng; đảm bảo đúng kĩ năng của bài cảm thụ văn học: đi từ hình thức nghệ thuật đến việc khám phá nội dung tư tưởng. - Về kiến thức: Bài viết cần đảm bảo các ý sau: + Giới thiệu tác giả, tác phẩm và khái quát được nội dung đoạn văn: Đoạn văn trích trong văn bản Cô Tô của nhà văn Nguyễn Tuân, miêu tả cảnh mặt trời mọc trên biển Cô Tô: (1,0đ) + Chỉ ra và phân tích được những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của nhà văn: Tác giả đã sử dụng những hình ảnh so sánh rất độc đáo“chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi ”; mặt trời “Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn”; “ Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông”. Tác giả còn sử dụng thành công nhiều tính từ có giá trị gợi tả, gợi cảm cao “tròn trĩnh, phúc hậu, đầy đặn; hồng hào, thăm thẳm, đường bệ ”. Tất cả đã gợi lên hình ảnh mặt trời thật đẹp, vừa rực rỡ lộng lẫy về màu sắc, vừa uy nghi đường bệ về hình dáng: (3,5đ) + Những đặc sắc nghệ thuật đã góp phần khắc họa rõ nét bức tranh mặt trời mọc thật ấn tượng và đẹp đẽ: Đó là khung cảnh rộng lớn, bao la với tất cả vẻ trong trẻo, tinh khôi mà rực rỡ tráng lệ của biển Cô Tô sau trận bão. Đoạn văn vừa cho thấy tài năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của nhà văn Nguyễn Tuân, vừa thể hiện tình cảm của tác giả: ca ngợi, yêu mến, gắn bó với vẻ đẹp thiên nhiên vùng biển đảo của Tổ Quốc thân yêu. (2,5đ) *Cách cho điểm: - Học sinh trình bày đủ các ý, cảm nhận sâu sắc, diễn đạt lưu loát, trôi chảy, tự nhiên, đảm bảo đúng phương pháp, kĩ năng: 6,0- 7,0đ - Trình bày đủ ý, cảm nhận tương đối sâu sắc nhưng một vài ý nhỏ còn hơi sơ sài, diễn đạt đôi chỗ hơi lủng củng: 4,0- 5,0đ - Trình bày còn thiếu ý, các ý còn hơi sơ sài, diễn đạt lủng củng: 2,0- 3,0đ - Trình bày rất sơ sài, diễn đạt lủng củng: các mức điểm còn lại. - Trình bày thiếu hoặc sai hoàn toàn: 0đ. * Lưu ý: - Giáo viên tránh tình trạng đếm ý cho điểm. Cần căn cứ vào bài làm cụ thể của học sinh để cho mức điểm phù hợp theo yêu cầu của đáp án.
  6. - Khuyến khích những bài làm sáng tạo, thể hiện khả năng cảm thụ văn chương tốt. - Chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau của học sinh, không rập khuôn máy móc theo đáp án. - Sai từ 5 lỗi chính tả hoặc diễn đạt trở lên: trừ 0,5đ. Câu 3: (10,0 điểm): * Yêu cầu chung: - Vận dụng kĩ năng làm văn miêu tả cảnh vật để làm bài: Xác định đúng đối tượng miêu tả; Lựa chọn các hình ảnh tiêu biểu và trình bày theo một trình tự hợp lí. Kết hợp tưởng tượng với quan sát thực tế để tả cảnh. Sử dụng các biện pháp tu từ nghệ thuật để tả cảnh cho sinh động (nhân hóa, so sánh ) - Vận dụng sáng tạo cách miêu tả của nhà thơ Võ Quảng trong đoạn thơ ở đề bài (yêu cầu này không bắt buộc mà chỉ sử dụng để đánh giá, phân loại những học sinh thực sự có năng khiếu văn chương). Cụ thể: + Sử dụng các hình ảnh tiêu biểu, chọn lọc như: chim muông, ngọn suối, Mầm Non + Sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để miêu tả các đối tượng thiên nhiên, đặc biệt là tái hiện đươc sức sống dồi dào, kì diệu của một Mầm Non bé nhỏ. * Yêu cầu cụ thể: 1. Mở bài: (1,0đ) - Giới thiệu khái quát cảnh mùa xuân ở quê em. 2. Thân bài: (8,0) * Miêu tả các nét nổi bật về mùa xuân theo gợi ý sau đây: - Tả bao quát: bầu trời, mây, gió Ví dụ: Buổi sáng sớm làn sương mỏng như khói vẫn còn vương vấn trên mặt đất. Phía trời đông ánh lên sắc hồng phơn phớt. Mặt trời đã mọc, bầu trời sáng dần mang theo sắc xuân ấm áp, báo hiệu nàng tiên mùa xuân đã về (Hoặc: bầu trời trong xanh, ánh nắng ửng hồng, gió nhè nhẹ thổi, những đám mây nhẹ nhàng trôi; Hoặc: bầu trời hơi âm u, không khí se se lạnh mang nét đặc trưng của mùa xuân) - Tả chi tiết: + Cây cối đâm chồi nảy lộc, những giọt sương long lanh như hạt kim cương đọng trên những chiếc lá xanh mướt. (Có thể dựa vào đoạn thơ ở đề bài để tả sức sống và vẻ đẹp của một Mầm Non bé nhỏ khi xuân về- ý này không bắt buộc) + Những thảm cỏ xanh non cùng với màu xanh ngút ngàn của lúa, ngô, khoai trải dài tới tận chân trời + Các loại hoa thi nhau khoe sắc thắm, tỏa hương ngào ngạt, cuốn hút lũ ong bướm tìm về. (hoa hồng, hoa thược dược, hoa đào, hoa mai ) + Mưa xuân như rắc bụi khiến cỏ cây hoa lá hân hoan rạo rực đón mừng
  7. + Chim chóc tưng bừng reo ca đón chào mùa xuân (Chích chòe, chào mào, sáo sậu, chim sâu, chim én vun vút chao liệng trên bầu trời mùa xuân - vận dụng thêm cách miêu tả của nhà thơ Võ Quảng) + Con người phấn khởi, hạnh phúc. Thôn xóm đông vui như ngày hội. Tiếng hát, tiếng hò của các cô thôn nữ vang lên sau lũy tre làng. + Mọi người đi trẩy hội mùa xuân, đi chơi chợ tết, không khí mùa xuân náo nhiệt rộn ràng. Ngày xuân mọi người như gần nhau thêm. Những người đi xa trở về quê hương cùng sum họp bên gia đình. 3. Kết bài: (1,0đ) - Nêu cảm nghĩ về mùa xuân: + Khung cảnh mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống + Em yêu mùa xuân, yêu cảnh đẹp của quê hương mình mỗi độ xuân về * Cách cho điểm: - Bài viết đảm bảo đầy đủ các ý theo yêu cầu, nắm vững phương pháp miêu tả, trình tự miêu tả hợp lí, lời văn giàu cảm xúc, các hình ảnh miêu tả có sự chọn lọc, biết sử dụng hiệu quả biện pháp tu từ nhân hóa, so sánh: 9,0-10đ - Đảm bảo cơ bản các ý theo yêu cầu, nắm vững phương pháp làm văn miêu tả, biết chọn lựa các hình ảnh nổi bật để miêu tả mùa xuân, biết vận dụng các biện pháp tu từ nhưng đôi chỗ còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt: 7,0- 8,0đ. - Đảm bảo đúng đặc trưng của bài văn miêu tả, nắm được phương pháp làm bài, có sử dụng biện pháp tu từ nhưng chưa thật hay, một đôi chỗ diễn đạt còn lủng củng: 5,0- 6,0đ. - Nắm được phương pháp miêu tả nhưng sử dụng chưa thật hiệu quả biện pháp nghệ thuật, trình tự miêu tả còn hơi lộn xộn, diễn đạt một số chỗ còn lúng túng: 3,0- 4,0đ - Có miêu tả được một số ý nhưng chưa nắm chắc phương pháp làm bài, trình tự miêu tả rất lộn xộn, chưa biết vận dụng biện pháp nghệ thuật, diễn đạt rất lúng túng: 1,0- 2,0đ. - Thiếu hoặc sai hoàn toàn: 0đ. * Chú ý: - Đây là bài văn miêu tả sáng tạo đòi hỏi sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú của học sinh, khuyến khích học sinh có nhiều ý tưởng độc đáo, mới mẻ nên có thể chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau của các em. (không rập khuôn theo ngôn ngữ của đáp án). - Tuy nhiên học sinh cũng không thể miêu tả tuỳ tiện, lộn xộn, tự do mà cần phải đáp ứng tương đối trình tự và các ý miêu tả theo hướng của lí thuyết đã học và các ý trong đáp án. - Giám khảo tránh việc đếm ý cho điểm. Cần căn cứ vào chất lượng bài làm cụ thể của học sinh để điều chỉnh khung điểm cho phù hợp. Cần khuyến khích những bài làm tốt, có sáng tạo. Có thể thưởng điểm cho những bài có những đoạn miêu tả mùa xuân một cách sống động dựa trên đoạn thơ của Võ Quảng. Điểm toàn bài là điểm cộng của các câu không làm tròn.
  8. PHÒNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016 GIAO THỦY Môn: Ngữ văn - Lớp 7 Câu 1: (4,0 điểm) a. Bài học: (1,0đ) - Học sinh rút ra được một trong các bài học sau đây: + Không nên kiêu căng tự phụ. + Kiêu căng tự phụ sẽ chuốc lấy hậu quả xấu. + Kiêu căng tự phụ sẽ phải trả một giá đắt. b. Phát hiện câu đặc biệt, câu rút gọn: (1,0đ) - Phát hiện đúng mỗi câu cho 0,25đ. Cụ thể: + Câu đặc biệt: Cây sồi. Ngọn cỏ. Cơn gió: 0,75đ + Câu rút gọn: Quật ngã cả cây sồi: 0,25đ c. Dựng đoạn văn: (2,0đ) - Dựng đoạn văn trình bày suy nghĩ về bài học được rút ra ở phần (a): (1,5đ) Gợi ý: Học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình trên cơ sở các ý sau đây: + Giải thích tự phụ là gì?: Tự phụ là tự cao, tự đại, tự đánh giá quá cao về khả năng của mình mà dẫn tới coi thường người khác. + Tác hại của tự phụ: - Người tự phụ không biết lắng nghe, không chịu học hỏi, luôn cho là mình tài giỏi hơn những người xung quanh; họ thường ảo tưởng về mình, tự bằng lòng với chính mình, dẫn tới dễ bị lạc hậu, chậm tiến. - Người tự phụ luôn luôn coi thường người khác nên thường bị mọi người xung quanh xa lánh, cô lập Vô tình họ đã tự tạo một bức tường ngăn cách mình với thế giới bên ngoài. Chính vì thế họ khó có thể có được những thành công lâu dài, thậm chí dễ dàng chuốc lấy thất bại trong cuộc sống. - Thói tự phụ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển nhân cách của mỗi con người. - Sử dụng đúng một câu đặc biệt và một câu rút gọn: 0,5đ * Chú ý: + Trên cơ sở các gợi ý ở trên, có thể chấp nhận các cách diễn đạt khác nhau của học sinh trong bài làm. Giám khảo linh hoạt cho điểm trong phần này, khuyến khích những bài viết có lập luận chặt chẽ, sắc sảo, + Trình bày không đúng số dòng theo quy định: trừ 0,25đ + Trình bày không đúng hình thức đoạn văn: trừ 0,25đ. + Không gạch chân dưới câu đặc biệt và câu rút gọn: trừ 0,25.
  9. + Sai từ 3 lỗi chính tả và diễn đạt trở lên: trừ 0,25đ. Câu 2: (6,0 điểm) * Yêu cầu: - Về kĩ năng: Có thể dựng thành một đoạn văn hoặc một văn bản ngắn có bố cục ba phần; diễn đạt tự nhiên, trong sáng; đảm bảo đúng kĩ năng của bài cảm thụ văn học: đi từ hình thức nghệ thuật đến việc khám phá nội dung tư tưởng. - Về kiến thức: Bài viết cần đảm bảo các ý sau: + Giới thiệu đoạn văn: Đoạn văn trích trong văn bản “Mùa xuân của tôi” là phần đầu thiên tùy bút Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt trong tập tùy bút- bút kí Thương nhớ mười hai của tác giả Vũ Bằng, thể hiện tình cảm của con người dành cho mùa xuân: 1,0đ - Câu văn mở đầu “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân” như là một lời khẳng định trực tiếp: Tình yêu mùa xuân là một tình cảm rất đỗi tự nhiên của mỗi con người. Bằng giọng điệu tự nhiên, gợi cảm, tác giả đã khẳng định tình yêu với mùa xuân, sự trìu mến với tháng giêng là một lẽ đương nhiên “không có gì lạ hết”: 1,0đ - Nhà văn sử dụng thành công nghệ thuật liệt kê, nhân hóa, đặc biệt là nghệ thuật điệp ngữ rất độc đáo (điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu “Ai bảo được”; “ai cấm được”; “đừng thương”) với cách dùng hàng loạt các hình ảnh sóng đôi rất trữ tình, gợi cảm “non- nước”; “bướm-hoa”; “trăng- gió”; “trai- gái”; “mẹ-con” Tất cả đã cho thấy đây đều là những tình cảm đẹp đẽ, tự nhiên, tất yếu của tạo hóa và lòng người đã được so sánh với tình cảm của con người dành cho mùa xuân. Từ đó tác giả đã khẳng định tình yêu của mình dành cho mùa xuân: 2,5đ - Đoạn văn có cách viết duyên dáng, mượt mà, lời văn chất chứa nhiều rung động, cảm xúc, khiến khi đọc lên ta cứ ngỡ đó là những dòng thơ đậm đà chất trữ tình đằm thắm. Đoạn văn đã thể hiện ngòi bút văn chương nghệ thuật tài hoa, tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên, yêu mùa xuân, yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả: 1,5đ. * Cách cho điểm: - Điểm 6: Đảm bảo các ý như yêu cầu, diễn đạt trong sáng, lưu loát, không sai lỗi chính tả - Điểm 5: Đảm bảo các ý như yêu cầu, viết có cảm xúc, không sai chính tả, đôi chỗ diễn đạt chưa lưu loát. - Điểm 4: Đảm bảo các ý, viết có cảm xúc, một vài ý còn sơ sài, còn sai lỗi diễn đạt - Điểm 3: Trình bày chạm vào các ý nhưng chưa sâu, diễn đạt còn lủng củng - Điểm 1,2: Thiếu ý, viết sơ sài, diễn đạt lủng củng - Điểm 0: Thiếu hoặc sai hoàn toàn. Câu 3: (10,0 điểm) * Yêu cầu: 1. Mở bài: (1,0đ) - Giới thiệu khái quát về vai trò của sách, trích dẫn câu nói.
  10. 2. Thân bài: (8,0đ) a. Giải thích nội dung ý nghĩa của câu nói: 1,0đ. - Sách: là sản phẩm trí tuệ của con người, lưu giữ và cung cấp cho con người những tri thức cần có về mọi lĩnh vực đời sống. - Ngọn đèn thần: Ngọn đèn có ánh sáng rực rỡ, lung linh, không bao giờ lụi tắt và có thể tạo nên nhiều phép màu kì diệu. - Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời: Tác giả muốn khẳng định vai trò của sách: sách là nguồn sáng bất diệt, thần diệu, lung linh đã rọi chiếu và dẫn đường chỉ lối cho con người, đưa con người ra khỏi chỗ tối tăm. b. Chứng minh: 7,0đ * Khẳng định câu nói trên là đúng: 5,0đ - Sách là nơi lưu giữ những di sản tinh thần quý giá của toàn nhân loại, là kho tàng kiến thức vô tận, cung cấp cho con người tri thức về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Sách góp phần mở mang trí tuệ, hiểu biết cho con người, đưa con người thoát khỏi những con đường tối tăm để vươn ra ánh sáng. (VD cụ thể về sách Toán học, sách văn học, địa lí, lịch sử ) - Những cuốn sách có giá trị còn khơi dậy trong ta những điều tốt đẹp; dạy ta bao điều hay lẽ phải; dạy ta biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với mọi người xung quanh; giúp ta hoàn thiện hơn nhân cách của mình theo thời gian. - Sách đem lại cho ta những phút giây thư giãn thoải mái, giúp ta giải trí sau những giờ phút học tập và làm việc căng thẳng, mệt mỏi. - Sách giúp ta rèn luyện ngôn ngữ, mở rộng mối quan hệ giao tiếp với mọi người xung quanh. - Nếu thiếu sách cuộc sống con người sẽ trở nên nhàm chán, vô vị, con ngưởi sẽ thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức, thụt lùi so với sự tiến bộ của thế giới, chìm đắm trong bóng tối của sự tối tăm, ngu dốt Đúng như Môngtexkiơ đã từng nói: “Thích đọc sách tức là biết đânh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh khỏi trong cuộc đời lấy những giờ phút kì thú” * Bàn luận mở rộng: 2,0đ - Tuy nhiên trong thực tế không phải bất cứ cuốn sách nào cũng trở thành cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời. Bởi vì bên cạnh những cuốn sách hay vẫn còn tồn tại không ít những quyển sách vô thưởng vô phạt hoặc có nội dung tiêu cực, độc hại, không phù hợp với lứa tuổi: ví dụ có những cuốn sách đồi trụy, kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phi đạo đức, ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của con người. Vì vậy chúng ta cần phải chọn sách mà đọc. - Để sách mãi là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời, chúng ta cần phải nâng niu sách , trân trọng những tri thức từ sách; biết sưu tầm lựa chọn những cuốn sách có giá trị, loại bỏ những cuốn sách vô bổ; cần dành thời gian đọc sách; có phương pháp đọc sách khoa học để có thể học tập và phát huy tất cả những điều tốt đẹp, thú vị từ sách. 3. Kết bài: (1,0đ)
  11. - Khẳng định sách cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời, là người bạn trung thành của con người trong quá trình tích lũy tri thức và rèn luyện nhân cách. - Nêu suy nghĩ của bản thân về việc đọc sách. * Cách cho điểm: - Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, vận dụng tốt văn nghị luận chứng minh để làm bài, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và phương pháp; dẫn chứng phong phú, chọn lọc, sâu sắc; diễn đạt lưu loát, bố cục rõ ràng: 9,0- 10đ - Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, vận dụng tương đối tốt văn nghị luận chứng minh để làm bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp; dẫn chứng chọn lọc, bố cục rõ ràng, diễn đạt tương đối tốt: 7,0- 8,0đ - Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, vận dụng tương đối tốt văn nghị luận chứng minh để làm bài, bài viết đã làm sáng rõ được các ý nhưng có một vài ý chưa thật sâu sắc, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả: 5,0- 6,0đ - Đã hiểu yêu cầu của đề bài nhưng vận dụng chưa tốt văn chúng minh để làm bài, các ý còn sơ sài hoặc thiếu ý, còn mắc lỗi về diễn đạt, chính tả: 3,0- 4,0đ - Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa biết vận dụng văn chứng minh để làm bài; bài viết rất sơ sài, lủng củng, các ý không rõ ràng, rành mạch, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả, trình bày: 1.0- 2,0đ. - Thiếu hoặc sai hoàn toàn: 0đ. * Lưu ý chung: - Phần hướng dẫn chấm chỉ là các ý khái quát, khi làm bài học sinh có thể linh hoạt sáng tạo trong diễn đạt, giáo viên cần linh hoạt cho điểm, không rập khuôn một cách máy móc theo ngôn ngữ của đáp án. - Trong quá trình chấm bài cần quan tâm đến kĩ năng trình bày, diễn đạt, tính sáng tạo của học sinh. Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu không làm tròn.
  12. PHÒNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO ĐÁP ÁN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2015-2016 GIAO THỦY Môn: Ngữ văn - Lớp 8 Câu 1: (3,0 điểm) *Yêu cầu: a. Học sinh phát hiện, chỉ ra được các biện pháp tu từ nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn: (1,5đ): + Biện pháp nhân hóa: Phượng đứng canh gác nhà trường, sân trường; làm vui cho cảnh trường; mệt nhọc, muốn lim dim; hoa giật mình; thả những cánh son xuống cỏ, đếm từng giây phút xa bạn học sinh; hoa phượng khóc, mơ, nhớ ; trường ngủ, cây cối ngủ (0,5đ) + Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ: hoa- học- trò; cánh son: 0,5đ + Biện pháp điệp ngữ: điệp từ hoa phượng; điệp cấu trúc câu: 0,5đ - Chú ý: Nếu học sinh chỉ nêu được tên biện pháp nghệ thuật mà không chi ra các hình ảnh, từ ngữ cụ thể thì chỉ cho một nửa số điểm. b. Trình bày tác dụng của các biện pháp tu từ trong đoạn văn (1,5đ) + Biện pháp nghệ thuật nhân hóa: Nhà văn đã thổi hồn sống vào các đối tượng vô tri vô giác: trường học. cây cối, đặc biệt là hoa phượng biến các đối tượng đó thành con người, có nét dáng, hành động, tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc như con người (hoa phượng biết thức để canh gác cho nhà trường, biết mệt mỏi, buồn bã khi phải xa các bạn học sinh; Hoa phượng biết đếm từng giây phút xa học trò, khóc vì nhớ các bạn học sinh và mơ ngày gặp lại) Từ đó nhà văn đã làm cho hình ảnh hoa phượng trở nên sống động, mang hơi thở ấm áp của con người, trở nên gần gũi với con người, trở thành người bạn thân thiết của lứa tuổi học trò: 0,75đ + Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ: Nhà văn gọi hoa phượng là hoa- học-trò; gọi cánh hoa phượng đỏ là cánh son: đây là những ẩn dụ đẹp và gợi cảm giúp ta hình dung ra màu đỏ rực rỡ của hoa, cảm nhận được sự gắn bó thân thương, sâu sắc giữa hoa phượng với lứa tuổi học trò hồn nhiên trong sáng: 0,5đ + Biện pháp điệp ngữ (điệp từ, điệp cấu trúc câu) với các câu văn ngắn được lặp lại đã tạo ra một nhịp văn nhanh, làm bật lên được những nét tình cảm, tâm trạng khác nhau của hoa phượng: 0,25đ. - Chú ý: Học sinh cần đảm bảo chính xác về mặt kiến thức, và có thể nêu tác dụng của biện pháp tu từ bằng cách diễn đạt riêng của mình. Câu 2: (7,0 điểm) * Yêu cầu: Bài viết cần đảm bảo các ý sau: - Giới thiệu tác giả, tác phẩm, giới thiệu và khái quát nội dung của đoạn trích: 1,0đ - Phân tích cách viết đặc sắc của nhà văn: 4,0đ + Giọng văn thống thiết, câu văn biền ngẫu nhịp nhàng cân đối với nhiều vế câu đã diễn tả được nhiều cung bậc của tâm trạng và cảm xúc. + Tác giả đã sử dụng kết hợp nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật đặc sắc cùng với hệ thống từ ngữ có giá trị gợi tả, gợi cảm cao: biện pháp so sánh “Ruột đau như cắt”; lối nói khoa trương cường điệu “xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù”; “Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài
  13. nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” kết hợp với một loạt động từ mạnh được sử dụng liên tiếp trong đoạn văn. + Tất cả đã diễn tả nỗi đau vò xé tâm can suốt đêm ngày của vị chủ tướng. Trần Quốc Tuấn đau đến quên ăn, mất ngủ; đau đến đứt ruột, đau đến rơi lệ. Nỗi đau đớn và căm thù giặc đến cao độ đã trở thành ý chí quyết tâm giết giặc cứu nước. - Đánh giá chung: 2,0đ Có thể nói đây là những câu văn hay nhất, thống thiết và hào hùng nhất của bài Hịch tướng sĩ, tiêu biểu cho giá trị nghệ thuật và tư tưởng của bài văn. Đằng sau những lời văn hùng hồn, giàu hình ảnh, thấm đượm tình cảm, cảm xúc ấy là hình ảnh người anh hùng yêu nước đau xót đến quặn lòng vì nước non bị quân thù giày xéo, là ngọn lửa căm thù hừng hực cháy trong tim, là sự nóng lòng rửa nhục đến quên ăn mất ngủ. Có thể nói những lời tâm huyết, gan ruột của vị chủ tướng đã có sức lay động mạnh mẽ, truyền cho tướng sĩ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi và một thái độ sẵn sàng xả thân, chấp nhận hi sinh vì non sông xã tắc. * Cách cho điểm: - Điểm 7: Đảm bảo các ý như yêu cầu, diễn đạt trong sáng, lưu loát, không sai lỗi chính tả. - Điểm 6: Đảm bảo các ý như yêu cầu, viết có cảm xúc, không sai chính tả, đôi chỗ diễn đạt chưa lưu loát. - Điểm 5: Đảm bảo các ý, viết có cảm xúc, một vài ý nhỏ còn hơi sơ sài, còn sai lỗi diễn đạt. - Điểm 3,4: Trình bày được các ý nhưng một số ý chưa sâu, diễn đạt còn lủng củng. - Điểm 1,2: Thiếu ý, viết sơ sài, diễn đạt rất lủng củng. - Điểm 0: Thiếu hoặc sai hoàn toàn. - Lưu ý: Học sinh cần đảm bảo các ý cơ bản như đáp án, đi đúng đặc trưng phương pháp của bài cảm thụ văn chương. Học sinh có thể diễn đạt linh hoạt sáng tạo. Giám khảo chấm bài không rập khuôn theo ngôn ngữ của đáp án, nhất là trong phần đánh giá chung. Câu 3: (10,0 điểm) * Yêu cầu: 1. Mở bài: (1,0đ) - Giới thiệu tác giả Thế Lữ - Giới thiệu bài thơ Nhớ rừng và tài năng sử dụng ngôn ngữ của tác giả trong bài thơ. - Trích dẫn ý kiến của Hoài Thanh và dẫn dắt vào đoạn trích cần phân tích. 2. Thân bài: (8,0đ) a. Giải thích nhận định: 1,0đ - Với cách viết hình tượng “làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch”; “tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường” kết hợp với hình ảnh so sánh độc đáo “Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt Ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”, Hoài Thanh đã khẳng định vai trò, vị trí và công lao của Thế Lữ trong việc tạo dựng nền thơ mới. Chính Thế Lữ đã góp phần vào việc đổi mới nền thi ca dân tộc, tạo dấu ấn vững vàng cho một nền thơ mới tồn tại và phát triển: 0,5đ - Đặc biệt nhà phê bình Hoài Thanh đã khẳng định tài năng sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời của Thế Lữ trong bài thơ Nhớ rừng: có thể nói Thế Lữ đã thổi hồn mình vào từng câu chữ, làm cho ngôn
  14. ngữ trong thơ ca của ông trở nên sống động, có hồn như bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường nào đó. Và ông đã thực sự trở thành một vị tướng tài ba điều khiển đội quân ngôn từ của mình. Cụ thể trong bài thơ Nhớ rừng, Thế Lữ đã chọn lựa được những từ ngữ, những câu chữ, những nhịp điệu, hình ảnh hay nhất, độc đáo nhất để thể hiện nội dung tư tưởng và cảm xúc của mình: 0,5đ. - Chú ý: Phần giải thích học sinh cần viết thành một đoạn văn. b. Khẳng định, chứng minh ý kiến của Hoài Thanh là hoàn toàn đúng đắn: 6,0đ - Học sinh cần xác định rõ đoạn thơ cần phân tích theo đúng yêu cầu của đề bài: đoạn thơ tái hiện lại cảnh tượng núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ ngự trị “tung hoành hống hách những ngày xưa” (Đoạn 2,3 của bài thơ) * Đoạn 2: Phân tích từ câu “Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ” đến câu “Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi”: 3,0đ - Đoạn thơ đã thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ vô cùng tài hoa của Thế Lữ. Hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ giàu chất tạo hình được tạo nên bởi những yếu tố nghệ thuật đạt đến độ điêu luyện, chính xác. + Nhà thơ đã sử dụng thành công các từ ngữ diễn tả cảnh tượng núi rừng lkĩ vĩ: bóng cả, cây già, gió gào ngàn, nguồn hét núi, thét khúc trường ca dữ dội Tất cả đã tái hiện lại được cảnh núi rừng đại ngàn lớn lao, mạnh mẽ, phi thường- nơi là giang san xưa cũ rất huy hoàng mà con hổ từng ngự trị. + Trên cái phông nền núi rừng hùng vĩ đó, hình ảnh con hổ hiện ra nổi bật với vẻ đẹp hết sức oai phong lẫm liệt. Ngòi bút thơ ca của Thế Lữ đến đây hết sức uyển chuyển, linh hoạt trong việc sử dụng ngôn ngữ: Nhà thơ sử dụng hình ảnh so sánh có sức liên tưởng độc đáo: Tấm thân của chúa rừng được so sánh với làn sóng biển; Thủ pháp phóng đại: “Trong hang tối mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi”; kết hợp với các tính từ: “dõng dạc, đường hoàng, nhịp nhàng”, các động từ giàu sức gợi tả “bước, lượn, vờn, quắc” Tất cả đã diễn tả chính xác vẻ đẹp vừa mềm mại uyển chuyển, vừa uy nghi dũng mãnh của chúa tể sơn lâm. - Đoạn thơ đã cho thấy sự đổi mới và sáng tạo tuyệt vời của Thế Lữ trong thơ ca, ông thực sự đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Ông đã tạo ra những vần thơ thực sự xứng đáng được gọi là thơ mới. *Đoạn 3: Phân tích từ câu: “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối’ đến “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”: 3,0đ. - Ở đoạn thơ này Thế Lữ đã thổi hồn vào câu chữ, làm cho mỗi câu mỗi chữ dường như bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường” và Thế Lữ đã thực sự trở thành viên tướng điều khiển đội quân Việt Ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được. Cụ thể: + Đoạn thơ tái hiện lên dĩ vãng huy hoàng với bốn cảnh tượng như một bức tranh tứ bình đẹp lộng lẫy. Bốn cảnh cảnh nào cũng mang vẻ đẹp của núi rừng hùng vĩ, trong đó vị chúa sơn lâm nổi bật lên với dáng vẻ đầy uy lực, lẫm liệt và kiêu hùng: Cảnh những đêm vàng bên bờ suối đầy thơ mộng huyền ảo với hình ảnh con hổ say mồi đứng uống ánh trăng tan; Cảnh những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn với hình ảnh con hổ mang dáng dấp đế vương “lặng ngắm giang san ta đổi mới”; Cảnh bình minh cây xanh nắng gội chan hòa ánh sáng, rộn rã tiếng chim, ru cho giấc ngủ say nồng của chúa sơn lâm; Cảnh những chiều lênh láng máu sau rừng thật dữ dội với con hổ đang chờ mặt trời chết để nó chiếm lấy riêng phần bí mật trong vũ trụ bao la, huyền bí đến khôn cùng.
  15. + Biện pháp điệp ngữ với các câu hỏi tu từ được lặp đi lặp lại,; các từ nghi vấn “nào, đâu”; giọng thơ và cách ngắt nhịp linh hoạt làm cho đoạn thơ giàu nhạc tính với âm điệu dồi dào càng làm bật lên được nỗi nhớ tiếc khôn nguôi của chúa sơn lâm với quá khứ huy hoàng xưa cũ. Và giấc mơ huy hoàng đó đã khép lại trong tiếng than đầy u uất “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” c. Đánh giá: 1,0đ - Khẳng định lại nhận định của Hoài Thanh. - Đoạn thơ đã khẳng định tài năng sử dụng ngôn ngữ hết sức điêu luyện độc đáo của Thế Lữ. Với nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ đạt đến độ uyển chuyển và tinh tế, nhà thơ đã tái hiện rất ấn tượng cảnh tượng núi rừng hùng vĩ và niềm tiếc nhớ sâu sắc của con hổ về dĩ vãng huy hoàng. Với những thành công nổi bật đó, Thế Lữ xứng đáng được coi là người cầm ngọn cờ chiến thắng cho thơ mới. 3. Kết bài: (1,0đ) - Khẳng định lại vấn đề. - Nêu suy nghĩ của bản thân. * Cách cho điểm: - Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, vận dụng tốt văn nghị luận chứng minh để làm bài, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung và phương pháp; bài viết sâu sắc, bám sát vào nội dung của nhận định để chứng minh làm nổi bật vấn đề; diễn đạt lưu loát, tự nhiên; bố cục rõ ràng: 9,0- 10đ - Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, vận dụng tương đối tốt văn nghị luận chứng minh để làm bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp; dẫn chứng chọn lọc, bố cục rõ ràng, diễn đạt tương đối tốt: 7,0- 8,0đ - Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, vận dụng tương đối tốt văn nghị luận chứng minh để làm bài, bài viết đã làm sáng rõ được các ý nhưng có một vài ý chưa thật sâu sắc, còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt, chính tả: 5,0- 6,0đ - Đã hiểu yêu cầu của đề bài nhưng vận dụng chưa tốt văn chứng minh để làm bài, các ý còn sơ sài hoặc thiếu ý, còn mắc lỗi về diễn đạt, chính tả: 3,0- 4,0đ - Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa biết vận dụng văn chứng minh để làm bài; bài viết rất sơ sài, lủng củng, các ý không rõ ràng rành mạch, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt, chính tả, trình bày: 1.0- 2,0đ. - Thiếu hoặc sai hoàn toàn: 0đ. * Lưu ý chung: - Trong quá trình làm bài học sinh có thể sáng tạo trong diễn đạt, trong lập luận. Giáo viên chấm bài cần linh hoạt khi đánh giá, cho điểm, không rập khuôn máy móc theo cách diễn đạt của đáp án. - Trong quá trình chấm bài cần quan tâm đến phương pháp làm bài, kĩ năng trình bày, kĩ năng diễn đạt của học sinh. Thưởng điểm cho những bài làm thực sự có sáng tạo, có chất văn. Điểm toàn bài là tổng điểm của các câu không làm tròn.